Như vậy, trong tháng 12-2023, tín dụng toàn hệ thống đã có bước nhảy vọt từ mức 9,15% tính đến cuối tháng 11, lên 13,5% vào cuối tháng 12, tương ứng với hơn 500.000 tỉ đồng chảy vào nền kinh tế chỉ trong một tháng.
NHNN nói gì về cấp tín dụng một lần?
Trao đổi về thắc mắc tại sao năm nay NHNN lại giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một lần cho cả năm 2024 là 15%, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ - ông Phạm Chí Quang cho biết: Hiện nay các tổ chức xếp hạng tín nhiệm liên tục cảnh báo Việt Nam dù là quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhưng lại có dư nợ tín dụng/GDP ở mức cao. Chẳng hạn, theo thang chấm điểm của World Bank đánh giá Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp.
Tương tự, theo đánh giá của Fitch Ratings, Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong các nước có mức xếp hạng AA, BAA… Điều đó cho thấy, các tổ chức xếp hạng quốc tế luôn cảnh báo rủi ro an toàn, an ninh tài chính của toàn hệ thống.
![Các ngân hàng cần đẩy mạnh vốn cho nền kinh tế khach-hang-vay-tien-ngan-hang-7523-3085.jpg](https://image.plo.vn/w1000/Uploaded/2025/bpcgtqvp/2024_01_03/khach-hang-vay-tien-ngan-hang-7523-3085-4748.jpg.webp)
Ngoài ra, trong thời gian qua, dù NHNN đã điều hành rất nhiều giải pháp đồng bộ, chấn chỉnh các hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại, nhưng nợ xấu của nền kinh tế tăng rất nhanh, đến nay đã gần 5%.
“Cũng cần phải nói rõ về tỉ lệ nợ xấu này. Đây không phải là nợ xấu của ngành ngân hàng mà nợ xấu do doanh nghiệp, người dân không có khả năng trả nợ ngân hàng bởi tác động từ rất nhiều yếu tố”, ông Quang nói.
“Không giống với mọi năm, ngay từ đầu năm nay NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm trong một lần. Bởi chúng tôi nhận thấy những khó khăn của kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu, các NHTW đang duy trì lãi suất điều hành ở mức cao. Vì vậy có khả năng xảy ra suy thoái nhẹ ở các nền kinh tế. Do đó, sẽ tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam, bởi nước ta là một nền kinh tế có độ mở rất lớn.
Trước xu hướng tổng cầu tiếp tục suy giảm trong năm 2024, NHNN nhận thấy cần phải có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong nước thông qua việc giao ngay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm để các tổ chức tín dụng nỗ lực cung ứng nhu cầu vốn hợp pháp ra nền kinh tế”, ông Quang nhấn mạnh.
Có khoảng 2 triệu tỉ đồng sẽ chảy vào nền kinh tế năm 2024
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết: Việc con số tăng trưởng tín dụng tăng mạnh vào tháng cuối cùng của năm không có gì đáng lo ngại mà đây là điều thông thường, giống như các năm. Bởi vào giai đoạn cuối năm thì nhu cầu vốn của các lĩnh vực kinh tế luôn cao hơn so với các thời điểm khác trong năm.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng cho biết thêm: Năm 2024, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, có linh hoạt điều chỉnh phù hợp với thực tế. Nếu nhu cầu vốn tăng cao, NHNN có thể nới tăng trưởng tín dụng lên lên 16%. Trong trường hợp năm 2024, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế đạt được 15%, tương ứng có khoảng 2 triệu tỉ đồng được bơm thêm vào nền kinh tế"- Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú nói.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng luôn cả năm cũng chính là tạo động lực để các ngân hàng tích cực tìm giải pháp cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Tú cũng nhấn mạnh rằng: "Hiện nay lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại đã rơi xuống mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây và nhiều nhà băng cho biết sẽ khó điều chỉnh giảm thêm nữa. Về phía NHNN, chúng tôi khuyến khích các ngân hàng thương mại cần nỗ lực cắt giảm chi phí để có thêm dự địa giảm lãi suất, nhưng nếu không giảm được nữa thì cũng không tính đến việc tăng lãi suất cho vay trong năm 2024".