Nóng Nga-Ukraine 5-4: Nga nói loại hàng trăm lính Ukraine trong ngày, Anh cho biết Nga muốn thay lính Wagner

(PLO)- Anh nói Nga muốn đào tạo lính đánh thuê mới, thay lính Wagner; Chiến sự ở Bakhmut vẫn nóng; Nga phản ứng gói viện trợ mới của Mỹ và việc Phần Lan vào NATO.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình chiến sự

. Trong bản cập nhật chiến sự tối 4-4, Bộ Tổng tham mưu Ukraine tiếp tục tập trung thông tin về nỗ lực bảo vệ TP Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Marinka đều ở tỉnh Donetsk, theo tờ Kyiv Independent.

Trong ngày, quân Nga đã tấn công nhiều khu vực ở khắp Ukraine khiến 5 người chết và 7 người bị thương.

Người phát ngôn Lực lượng Không quân Ukraine - ông Yurii Ihnat cho biết Nga phóng tới 20 quả bom dẫn đường nhằm vào Ukraine mỗi ngày.

. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói rằng quân Nga đã loại bỏ được nhiều lính và khí tài của Ukraine ở nhiều nơi trong ngày 4-4, theo hãng thông tấn TASS.

Lính Ukraine ở chiến hào tại TP Bakhmut tháng trước. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Lính Ukraine ở chiến hào tại TP Bakhmut tháng trước. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ông Konashenkov cho biết trong ngày 4-4, quân Nga đã loại bỏ hơn 30 binh sĩ Ukraine tại TP Kupyansk (tỉnh Kharkiv), 225 lính tại TP Lyman (tỉnh Donetsk), 65 lính tại TP Donetsk (tỉnh Donetsk), 10 lính ở hướng tỉnh Kherson,...

Ông cũng cho hay Nga đã phá hủy 1 kho vũ khí pháo binh và 3 kho đạn pháo của Ukraine ở tỉnh Kharkiv, Donetsk và Zaporizhia, đồng thời tấn công 83 đơn vị pháo binh Ukraine trong ngày.

. Theo Bộ Quốc phòng Anh ngày 4-4, Nga đang tìm cách tài trợ và phát triển các nhóm lính đánh thuê mới nhằm mục đích thay thế lính của Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, theo Kyiv Independent.

Trước đó, lãnh đạo Wanger - ông Yevgeny Prigozhin đã lên tiếng chỉ trích giới lãnh đạo quân sự của Nga không cung cấp đủ phương tiện chiến đấu và đạn pháo cho lực lượng lính Wanger.

Theo Bộ Quốc phòng Anh, sau cuộc tranh cãi giữa Bộ Quốc phòng Nga và ông Prigozhin, giới lãnh đạo quân sự của Nga có thể muốn thay thế Wagner để có thêm quyền kiểm soát.

Mỹ viện trợ 2,6 tỉ USD cho Kiev, Nga phản ứng

Ngày 4-4, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine trị giá 2,6 tỉ USD, theo hãng tin Reuters.

Gói viện trợ bao gồm 2,1 tỉ USD từ quỹ Sáng kiến ​​Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden mua vũ khí từ ngành công nghiệp thay vì từ kho vũ khí của Mỹ.

Gói hỗ trợ của USAI gồm các loại đạn bổ sung cho hệ thống phòng không NASAMS mà Mỹ và các đồng minh đã gửi cho Kiev, các loại đạn chính xác trên không, đạn của hệ thống pháo phản lực bắn loạt GRAD, tên lửa chống tăng, 105 xe kéo nhiên liệu, cùng với kinh phí để đào tạo lính và bảo trì trang thiết bị.

500 triệu USD còn lại đến từ các quỹ giải ngân thuộc thẩm quyền của tổng thống, cho phép Tổng thống Biden lệnh lấy những thứ cần thiết trong kho vũ khí của Mỹ trong trường hợp khẩn cấp như các loại đạn dược, gồm đạn cho hệ thống phòng không Patriot, đạn xe tăng và đạn cho hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS).

Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã phản ứng sau khi nhận thông tin Mỹ công bố gói viện trợ mới. Theo đó, Đại sứ quán Nga cáo buộc Mỹ muốn kéo dài cuộc xung đột càng lâu càng tốt, hãng thông tấn TASS cho hay.

Thông báo của Đại sứ quán Nga viết: "Quyết định cung cấp vũ khí cho Kiev là một bước tiến tới leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine và làm tăng số thương vong dân sự…Chúng tôi một lần nữa kêu gọi giới lãnh đạo Mỹ đánh giá tỉnh táo về hậu quả của những hành động như vậy và nhận ra những rủi ro của việc mở rộng không kiểm soát địa bàn của cuộc xung đột”.

Đại sứ quán Nga khẳng định Nga sẽ không từ bỏ các mục tiêu đã được đặt ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt. Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky hoan nghênh quyết định của Mỹ và nói rằng Mỹ có thể bảo vệ các giá trị mà mình theo đuổi bằng cách giúp đỡ Ukraine.

Ông nói: "Điều quan trọng là không để mất thời gian, không để mất cơ hội mà chúng ta có. Hãy hành động ngay bây giờ, giúp đỡ ngay bây giờ. Người Ukraine hành động để người Mỹ không phải chiến đấu và chúng ta cùng nhau đạt được sức mạnh mới cho đất nước mình".

Phần Lan chính thức là thành viên NATO

Ngày 4-4, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo đài CNN.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước sự chứng kiến của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 4-4. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trước sự chứng kiến của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 4-4. Ảnh: AFP

Buổi lễ kết nạp thành viên NATO được tổ chức tại trụ sở NATO ở Brussel (Bỉ) hôm 4-4. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto đã trao đổi những tài liệu liên quan đến việc công nhận Phần Lan là thành viên của NATO.

Sau quyết định này, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto khẳng định: “Tư cách thành viên của Phần Lan không nhằm chống lại bất kỳ ai. Nó cũng không thay đổi nền tảng hoặc mục tiêu của chính sách đối ngoại và an ninh của Phần Lan”.

Tổng thống Phần Lan cũng cho rằng mỗi quốc gia muốn tối đa hóa an ninh của chính mình và Phần Lan cũng vậy.

Ông nói rằng từ lâu Phần Lan đã tích cực tham gia các hoạt động của NATO và trong tương lai, Phần Lan sẽ đóng góp vào khả năng phòng thủ và răn đe tập thể của NATO.

Cùng ngày, Đại diện thường trực của Nga tại các Tổ chức Quốc tế tại Vienna Mikhail Ulyanov đăng trên Telegram rằng vai trò của Phần Lan trên sân khấu toàn cầu sẽ giảm đáng kể do Helsinki mất vị thế trung lập sau khi gia nhập NATO, theo hãng thông tấn TASS.

Ông viết: "Phần Lan trở thành một quốc gia thành viên NATO. Thật thú vị khi xem nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vai trò của nước này trong các vấn đề thế giới. Kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực quan hệ đa phương cho tôi biết rằng nếu không có tư cách trung lập, vai trò của Phần Lan sẽ giảm đi đáng kể”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm