Nộp tiền để thoát án tử: Vẫn tranh cãi

Ngày 16-6, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về dự án BLHS (sửa đổi). Rất nhiều vấn đề đã được các ĐB tập trung mổ xẻ, từ chính sách hình sự đến quy định cụ thể…

Tăng hình phạt, tội phạm sẽ giảm

Nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ lại cho rằng có một thời gian chúng ta theo quan điểm “muốn chống tội phạm thì tăng hình phạt”. Thế nhưng tăng hình phạt có giảm được tội phạm, có tăng được tính phòng ngừa hay không thì đến nay chưa ai trả lời được. Không phải ngẫu nhiên mà Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đặt ra vấn đề tăng cường tính hướng thiện của hệ thống hình phạt, giảm hình phạt tù, tăng hình phạt ngoài tù, hạn chế áp dụng hình phạt tử hình…

“Tính nghiêm minh của pháp luật không phải ở chỗ chúng ta cứ quy định thật nặng. Theo tôi, nếu quy định nặng nhưng không áp dụng trên thực tế thì không bảo đảm tính nghiêm minh. Ví dụ, tội tham nhũng chúng ta có tử hình được mấy vụ trên thực tế đâu. Đề nghị giữa quy định của pháp luật và thực tiễn phải ăn nhập với nhau” - ông Độ nói.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho rằng trong các sai phạm kinh tế ngoại trừ những hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức cần thiết mới truy cứu trách nhiệm hình sự, còn lại nên xử lý bằng các biện pháp kinh tế để thu hồi khoản tiền bị chiếm đoạt phi pháp. “Mục tiêu chính của chúng ta là thu hồi những cái người vi phạm mong muốn đạt được, thậm chí có thể thu hồi nhiều hơn rất nhiều những cái mà họ đã chiếm để ngăn chặn tái diễn trong tương lai. Biện pháp hình sự chưa chắc đã đảm bảo được mục tiêu đó” - ông Vinh nhận xét.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) không đồng tình: “Hình thức này chỉ áp dụng cho người lắm tiền nhiều của. Tôi chưa đồng ý với phân tích của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nếu không bị phát hiện thì họ sẽ ung dung tự tại, sống sang trọng cả đời, nếu bị phát hiện có tiền nộp cũng mua được mạng sống, làm cho pháp luật mất công bằng, méo mó. Ngân sách nhà nước rất cần tiền nhưng không cần đến mức bất chấp mọi nguy hại”.

Nhiều ĐBQH đề nghị bỏ tội cố ý làm trái… vì “xử ai cũng được”. Trong ảnh: Phiên xử nguyên tổng giám đốc Sapharco Lê Minh Trí về tội này ngày 18-5. Ảnh: H.YẾN

Bỏ hay giữ tội cố ý làm trái?

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) đề nghị không nên bỏ tội danh “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ông Khánh phân tích: “Hiện nay chúng ta đang sử dụng tội cố ý làm trái này để xử lý những trường hợp liên quan đến tội tham nhũng mà chúng ta chưa chứng minh được động cơ vụ lợi. Nếu bỏ tội này sẽ dẫn đến bỏ lọt tội phạm, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong giai đoạn hiện nay” - ông Khánh kết luận.

Ngược lại, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói cần phải bỏ quy định này. Dự thảo BLHS (sửa đổi) đang thiết kế theo hướng bỏ tội danh này, thay bằng một số tội danh cụ thể khác. Ông Vinh cho rằng cần phải rà soát trên tinh thần là cố gắng không hình sự hóa nhiều mà thay bằng các biện pháp kinh tế để thu hồi, ngăn chặn được là tốt nhất.

“Hiến pháp đã quy định rõ mọi người có quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Chúng ta không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Đây không phải là vấn đề mới nhưng nó vẫn đang là trở ngại, rào cản đối với công cuộc đổi mới sáng tạo, làm nản lòng rất nhiều nhà đầu tư muốn bỏ tiền ra làm ăn. Tôi chắc chắn rằng trong 41 đại biểu là doanh nhân ngồi đây và hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác rất lo lắng về việc này. Nếu BLHS của chúng ta khái niệm không minh bạch, không rõ ràng thì chắc chắn đang là rào cản rất lớn vì khi đầu tư kinh doanh, chỉ sơ sảy là có thể bị quy tội. Có nhiều đổi mới có thể đi trước và có thể không đúng luật pháp. Nếu chúng ta quy vào những tội không rõ ràng sẽ rất nguy hiểm cho đất nước” - ông Vinh nhấn mạnh.

“Để tội này sẽ cản trở sự phát triển kinh tế” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền đồng tình. Ông Thuyền cho rằng tội cố ý làm trái “xử ai cũng được”, nếu không bỏ thì rất nhiều người bị xử lý hình sự vì nếu muốn đổi mới, vươn lên, bứt phá thì phải “vượt khung, vượt rào”.

“70 mới chập chững đi vào đời”

Nhiều ĐB không đồng tình với đề xuất không áp dụng hình phạt tử hình với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi:Cơ sở nào để khẳng định người trên 70 tuổi không phạm tội đặc biệt nghiêm trọng? Nếu người trên 70 tuổi cầm đầu một băng đảng ma túy khét tiếng thì có tử hình họ không?

Ông Thuyền đề nghị cân nhắc quy định này bởi “tuổi bây giờ rất khác”. Cả hội trường sau đó cười ồ khi ông Thuyền đọc thơ: “Trước đây 60 tuổi già lắm rồi nhưng giờ ta nói “60 là mới dậy thì. 70 mới chập chững đi vào đời””.

Cũng phản đối quy định này, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) đã liệt kê hàng loạt vụ án hình sự mà người phạm tội từ 70 tuổi trở lên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, có khung hình phạt cao nhất là tử hình.Chẳng hạn, bị cáo Nguyễn Văn Tài (85 tuổi, Nam Định) giết vợ với 43 nhát dao; bị cáo Lê Đức Mỹ (82 tuổi, Tây Ninh) hiếp dâm trẻ em mà nạn nhân là bé gái mới hơn bảy tuổi...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm