Thời gian qua, người dân có mặt tiền kinh doanh tại các tuyến phố Đà Nẵng không khỏi bức xúc, thắc mắc khi nước sinh hoạt bị áp giá nước kinh doanh.
Biểu giá nước tại Đà Nẵng (phía trên) và biểu giá nước tại một số tỉnh, thành khác. Ảnh: TẤN VIỆT
Khảo sát của chúng tôi, các hộ buôn bán quần áo, tạp hóa, sửa chữa điện thoại… đều nhận hóa đơn nước rất cao với mức giá là nước sản xuất, kinh doanh dù họ khẳng định việc buôn bán không liên quan đến nước.
Cụ thể, gia đình chị Hồ Thị Lan có bốn nhân khẩu sống trên đường Hùng Vương (quận Hải Châu) mở cửa hàng bán nệm, gối tại nhà. Tháng 10 vừa qua, gia đình chị Lan dùng hết 30 m3 nước với mức tính đến 215.000 đồng. Trong khi biểu giá nước sinh hoạt tại TP là 4.000 đồng/m3. Theo tính toán, chị Lan chỉ phải trả 136.000 đồng.
“Mình bán nệm, gối thì đâu có dùng nước để sản xuất, kinh doanh gì đâu mà tính mức cao như vậy. Điều này rất vô lý” - chị Lan bức xúc.
Một trường hợp khác trên đường Hoàng Diệu là cửa hàng sửa chữa điện thoại được anh Như (chủ cửa hàng) thuê mặt bằng kinh doanh. Mỗi tháng tiệm của anh dùng hết khoảng 12 m3 nước và phải trả 106.000 đồng cho khoản nước này.
“Đáng ra 12 m3 nước thì chỉ khoảng 50.000 đồng nhưng mình phải trả mức giá nước sản xuất sao đó mới cao như vậy. Sửa điện thoại thì đâu có dùng đến nước để sửa” - anh Như thắc mắc.
Về việc trên, ông Lê Đức Quý, Phó Tổng Giám đốc Dawaco, khẳng định việc áp mức giá như vậy là thực hiện đúng Quyết định 06/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng ngày 27-1-2014 và hướng dẫn của Sở Tài chính tại Công văn 1086/STC-GCS ngày 21-5-2014.
Ông Lê Đức Quý, Phó Tổng Giám đốc Dawaco. Ảnh: TẤN VIỆT
Quyết định 06 phê duyệt biểu giá nước sinh hoạt và các mục đích khác tại khu vực đô thị phân định rõ bốn mức tính giá nước gồm: Nước sinh hoạt (4.000 đồng/m3, dùng trên 10 m3 tính 4.800 đồng/m3); các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (6.800 đồng/m3); hoạt động sản xuất vật chất (8.900 đồng/m3); kinh doanh dịch vụ (13.500 đồng/m3).
Căn cứ hướng dẫn của Sở Tài chính thì gia đình chị Lan được tính mức giá nước được quy định: “Hộ dân sử dụng nước sạch cho sinh hoạt và các mục đích khác thì giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt áp dụng theo định mức sử dụng 5 m3/người/tháng. Lượng nước sạch sử dụng vượt quá định mức trên áp dụng theo các mức giá của các mục đích sử dụng khác”.
Gia đình chị Lan với bốn nhân khẩu thì định mức sử dụng nước là 20 m3/người/tháng. Riêng việc buôn bán nệm, gối thuộc quy định hoạt động kinh doanh dịch vụ (các điểm kinh doanh của các cơ sở kinh doanh dịch vụ không phân biệt thành phần kinh tế - trích Công văn 1086) nên 10 m3 vượt mức của gia đình chị Lan được tính 13.500 đồng/m3.
Với trường hợp cửa hàng sửa chữa điện thoại hoặc tương tự thuộc về hoạt động sản xuất vật chất (các cơ sở gia công, sửa chữa máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ) nên phải tính mức giá 8.900 đồng/m3.
“Quy định của TP là vậy nên mình không thể làm khác” - ông Quý nói.
Các cửa hàng buôn bán quần áo, giày dép... tại Đà Nẵng đều được tính giá nước kinh doanh. Ảnh: TẤN VIỆT
Tuy nhiên, ông Quý cũng thừa nhận thời gian qua có nhiều khách hàng phản ánh các bất cập về biểu giá nước như trên nên trong các cuộc họp sắp tới, công ty sẽ nêu ra để các ngành xem xét, cùng báo cáo UBND TP nghiên cứu lại.
Trong một diễn biến khác, chiều 12-11, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cùng các sở, ban, ngành đã họp và có nội dung liên quan đến việc thiếu nước sạch trên địa bàn TP khiến dư luận bức xúc những ngày qua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho hay: "Lãnh đạo TP đã giao cho Sở Xây dựng tổng hợp thông tin về việc thiếu nước sinh hoạt, gửi UBND TP phê duyệt để báo cáo Thành ủy trước ngày 20-11".