Phải chặt đứt nhóm lợi ích thao túng tài sản công

Bộ Tài chính có trách nhiệm chính trong việc quản lý tài sản công, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2018 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 8-1.

Bài học quản lý tài sản công từ vụ Vũ “nhôm”

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những thành tích đã đạt được của ngành tài chính. Thủ tướng cho rằng tinh thần làm việc từ lãnh đạo Bộ đến các cơ quan trực thuộc đã có nhiều cố gắng, “rất lo lắng đến nhiệm vụ được giao”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng trách nhiệm của ngành rất nặng nề, còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Đối với công tác quản lý tài sản công, Thủ tướng cho rằng công tác quản lý tài sản công đang có nhiều quan ngại, còn thất thoát, lãng phí lớn. Đặc biệt có tình trạng lợi ích nhóm chi phối, thao túng hưởng lợi trên tài sản công quốc gia. Thủ tướng dẫn chứng ví dụ vụ việc Vũ “nhôm” và nhấn mạnh đó là bài học cho việc quản lý công sản của ngành tài chính.

“Phải rà soát lại việc bán nhà công sản cho Vũ “nhôm” diễn ra ở Đà Nẵng, Nhà nước được cái gì? Trách nhiệm của Bộ Tài chính ở công tác quản lý tài sản công ra sao? Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý tài sản công nên phải chú ý. Tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”, nhất là chặt đứt nhóm lợi ích thao túng, hưởng lợi trên tài sản công quốc gia” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.PHƯƠNG

Loại bỏ công chức hư hỏng

Vấn đề đạo đức công vụ cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý đối với ngành tài chính.

Theo Thủ tướng, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính vẫn đáng lo ngại, ví dụ như hải quan vẫn còn tình trạng tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại, cán bộ thuế “đi đêm” với doanh nghiệp (DN). Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy chi phí bôi trơn của DN cho công chức thanh tra, kiểm tra vẫn còn lớn. Một bộ phận cán bộ ngành tài chính còn nhũng nhiễu, thờ ơ với sự sống còn của DN, chưa nghiên cứu tạo điều kiện cho DN và người dân.

Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này và đề nghị MTTQ Việt Nam phát động phong trào “DN nói không với chi phí bôi trơn”, đồng thời yêu cầu ngành tài chính đưa ra thông điệp “cán bộ ngành tài chính nói không với phong bì”.

Đi liền với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành cán bộ, công chức hư hỏng. “Loại bỏ công chức hư hỏng, tham nhũng, tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh. Bộ Tài chính phải làm sao để trên nóng dưới cũng nóng” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Quyền lợi người nộp thuế ít được quan tâm

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu thực tế tình trạng một DN phải đón nhiều đoàn thanh tra, từ thanh tra thuế, thanh tra tỉnh đến kiểm toán. “Nên chăng các cơ quan thanh tra phối hợp với nhau để tránh một nội dung nhiều đơn vị thanh tra, gây khó khăn cho DN” - Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Thủ tướng nêu thực trạng, chính sách tài chính, nhất là chính sách thuế thay đổi quá nhanh và quá nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và DN. Vì vậy, nhiều DN đều bị mắc lỗi khi được thanh tra, kiểm tra thuế. “Có DN lỗi nhiều, có DN lỗi ít. Rõ ràng có DN cố tình vi phạm nhưng cũng có DN bị oan, sai do sự thay đổi chính sách quá nhanh, là lỗi từ phía cơ quan nhà nước. Những thay đổi nhanh như thế chứng tỏ việc xây dựng chính sách chưa theo kịp sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội, chưa đánh giá kỹ tác động, thiếu sâu sắc thực tế đời sống, thiếu phản biện, lắng nghe. Chính sách thuế nói riêng và chính sách tài chính nói chung phải theo kịp sự phát triển kinh tế của đất nước, phải có sự ổn định tương đối dài, 5-10 năm” - Thủ tướng lưu ý.

Thậm chí Thủ tướng còn nhấn mạnh thêm với ngành tài chính trong việc xây dựng chính sách thuế bởi chính sách thuế hiện vẫn tư duy theo quan điểm có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước và quyền lợi của người nộp thuế ít được quan tâm. “Chính sách thuế luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước còn DN và người dân có kêu oan cũng bị áp đặt là vi phạm. Đây là vấn đề lớn mà toàn ngành thuế phải tập trung thảo luận. Việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế” - Thủ tướng nêu rõ.

Hạn chế mua sắm ô tô công đắt tiền

Năm 2018, Bộ Tài chính tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, liêm chính, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.

Cùng đó ngành tài chính tập trung điều hành chính sách tài khóa thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó sẽ quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền. Hạn chế chi ứng trước và chuyển nguồn dự toán sang năm sau. Giữ bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội đã quyết định (3,7% GDP); phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính TRẦN XUÂN HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm