Phải xã hội hóa cải lương

Theo ông Lê Duy Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cải lương sẽ phải tiến đến việc xã hội hóa như kịch nói hiện nay.

Sau năm năm tạm ngưng, giải thưởng Trần Hữu Trang vừa được Hội Sân khấu TP.HCM khởi động lại với vòng chung kết diễn ra tháng 12-2011. Ông Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, đã có những ý kiến thẳng thắn về tình trạng cải lương hiện nay và tương lai nhìn từ giải Trần Hữu Trang 2011.

Cải lương đang nghiệp dư hóa

. Rất nhiều người nói rằng cải lương đang giãy chết và sẽ chết hẳn trong tương lai, ý kiến của ông thế nào?

+ Ông LÊ DUY HẠNH: Hiện các đoàn cải lương đang lúng túng trong việc xây dựng tiết mục để đưa ra công chúng. Sân khấu cải lương truyền hình - nơi có thế mạnh đưa cải lương đến đông đảo người xem cũng chung cảnh ngộ.

Cải lương đã trở nên nghiệp dư hóa ở mọi khâu. Thế nhưng không thể nói là cải lương đã chết hay sẽ chết vì nhiều kết quả khảo sát và trường hợp thực tế cho thấy cải lương vẫn còn rất nhiều khán giả. Vấn đề là phải đưa được sản phẩm cải lương hay đến người xem.

. Vậy cơ quan quản lý sẽ phải làm gì để cải lương thoát khỏi tình trạng sống dở chết dở này, thưa ông?

+ Giải Trần Hữu Trang lần này là một hoạt động cụ thể để củng cố các đoàn nghệ thuật. Trước đây, những diễn viên trẻ hàng đầu của các đoàn cải lương sau khi đoạt huy chương giải Trần Hữu Trang thường bỏ đoàn vì thấy lợi ích của họ hơn hẳn nếu ra ngoài. Bỏ đoàn, có khi các huy chương này chỉ đi hát ở quán xá, đám ma, đám cưới, tiệc tùng… nhưng lại khiến nhiều đoàn lao đao vì thiếu nhân sự.

Thế nên ở mùa giải này, thí sinh bắt buộc phải do một đơn vị hoạt động cải lương chuyên nghiệp tiến cử và tự chấm thi ở vòng sơ khảo. Ban tổ chức chỉ chấm giải từ vòng bán kết. Sau đêm chung kết trao giải, các huy chương vàng sẽ được trao giải thêm một lần nữa tại đơn vị. Hành động này như một sự trao trả diễn viên về đơn vị. Do đó, họ phải có trách nhiệm với đơn vị công tác của mình, bên cạnh quyền lợi được đi diễn bên ngoài...

Phải xã hội hóa cải lương ảnh 1

Vở cải lương Bên cầu dệt lụa thu hút công chúng do được Đài Truyền hình TP.HCM cùng HTVC đầu tư kinh phí hợp lý và dàn dựng nghiêm túc. Ảnh: HÒA BÌNH

. Như thế vẫn chưa hẳn là sẽ có sản phẩm cải lương hay đưa ra công chúng?

+ Trước mắt, Hội Sân khấu TP.HCM đã ký kết với Đài Truyền hình TP.HCM và những đơn vị cải lương có hoạt động ổn định mỗi năm sẽ làm ít nhất sáu vở diễn lớn, đảm bảo sự chuyên nghiệp và chất lượng nghệ thuật để phát sóng. Sau mỗi vở diễn, chúng tôi sẽ mời nhà báo và các nhà chuyên môn đến hội thảo rút kinh nghiệm; tìm ra cách làm hay và thích hợp hơn. Những vở diễn trọng điểm đó sẽ định hướng hoạt động cải lương chuyên nghiệp. Lấy sự ổn định làm tiền đề, lấy tác phẩm làm mục tiêu là phương châm hoạt động của ngành sân khấu dành cho cải lương.

Sẽ phải xã hội hóa như kịch

. Nếu giải Trần Hữu Trang là một giải pháp cho cải lương như ông nói thì vì sao năm năm qua giải lại bị ngưng, thưa ông?

+ Những năm trước, tình hình hoạt động của các đơn vị cải lương vẫn còn thuận lợi hơn năm năm gần đây nhiều. Tuy nhiên, cái chính là ban tổ chức giải cảm thấy không ổn nhưng chưa tìm ra cách làm thích hợp nên phải tạm ngưng.

. Có nhiều ý kiến cho rằng giải Trần Hữu Trang nên kết thúc để không làm mất giá trị những huy chương vàng trước đây vì chất lượng ca diễn của thí sinh cũng như chất lượng cải lương ngày càng giảm…

+ Giải Trần Hữu Trang đi theo phong trào chung của sân khấu cải lương, chọn ra những nhân tố tốt nhất của cải lương ở thời điểm tổ chức giải để làm nổi bật lên khiến xã hội, công chúng chú ý. Vì thế không thể bảo cải lương không còn mạnh thì dẹp giải. Không phải nghệ sĩ cải lương về sau dở hơn nghệ sĩ lớp trước mà do đời sống cải lương không bằng trước đây nên họ bị hạn chế theo.

. Ông nhận xét gì về hiện tượng sân khấu cải lương tiêu điều nhưng phong trào đờn ca tài tử lại phát triển rầm rộ, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ lại được đông đảo công chúng quan tâm?

+ Cải lương đang lùi về cái gốc của nó là bản vọng cổ. Cải lương khởi đầu từ việc xuất hiện nhiều danh ca nổi tiếng. Chuông vàng vọng cổ cũng đang là hiện tượng tương tự: tìm ra những giọng ca vọng cổ hay, tập hợp lại những nhân tố mới để củng cố cho cải lương.

. Trước tình hình không mấy lạc quan của cải lương, ông dự đoán thế nào về tương lai của cải lương?

+ Nó sẽ phải tiến đến việc xã hội hóa để có những đoàn tư nhân hoạt động ổn định như kịch nói hiện nay nếu không muốn cứ ngắc ngoải. Tôi nghĩ rằng việc cải lương xã hội hóa như kịch chắc chắn sẽ diễn ra được. Còn việc làm thế nào để cải lương vượt qua khó khăn, đi đến sự ổn định là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không chỉ phụ thuộc vào vài cá nhân hay các cơ quan chức năng.

. Xin cảm ơn ông.

Quá tải giải Trần Hữu Trang 2011

Giải Trần Hữu Trang đầu tiên ra đời năm 1991. Năm nay là lần thứ 11 giải được tổ chức.

Sau năm năm tạm ngưng cộng với thực trạng cải lương ngày càng èo uột, dư luận đã lo ngại sẽ không tìm ra thí sinh để tổ chức tiếp giải Trần Hữu Trang. Vậy nhưng mùa giải 2011 này, lượng thí sinh đã trở nên quá tải. Từ dự kiến chỉ có 40 thí sinh vào bán kết cho cả hai hạng mục: huy chương vàng giải triển vọng và huy chương vàng giải xuất sắc, đến nay số thí sinh đã tăng lên 60 người. Do đó, số buổi thi bán kết từ bảy buổi như dự kiến tăng lên thành 11…

Năm nay, giải Trần Hữu Trang khôi phục thang điểm đạo đức của thí sinh xét ở sự gắn bó của thí sinh với đơn vị, với nghề nghiệp và quan hệ với đồng nghiệp. Câu hỏi ứng xử năm nay sẽ không là những kiến thức, tình huống chung chung về sân khấu mà đi trực tiếp vào vai diễn và trích đoạn dự thi.

HÒA BÌNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm