Có chứng cứ ngoại phạm trong vụ chém người?

Chiều 16-6, VKSND TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau đã cho bảo lãnh tại ngoại đối với Đặng Hữu Thời, Lâm Hải Long, Nguyễn Hoài Nam, Lê Phước Trung và Nguyễn Anh Duy để hầu tra. Năm thanh niên này bị truy tố về tội cố ý gây thương tích khiến nạn nhân bị thương tích 45%.

Nhận dạng người gây án trong đêm

Theo hồ sơ, khuya 14-3-2015, Thời và bạn trên đường về nhà thì bị rượt chém ở đầu và vai, người không sao. Thời về nhà lấy mã tấu và rủ nhóm bạn đi tìm người để chém lại. Khoảng 1 giờ ngày 15-3-2015, có ba người đi bộ ăn cháo, Thời cầm hung khí chạy qua rượt đánh, chém họ. Khi thấy một người bị thương nặng và phát hiện đã chém nhầm, nhóm Thời rút khỏi hiện trường. Thời đi cấp cứu lúc 2 giờ sáng, đến 4 giờ chiều thì trốn bệnh viện về…

Bản án sơ thẩm ngày 26-4 của TAND TP Cà Mau đã tuyên Thời bảy năm tù, Long ba năm tù, Nam bốn năm tù, Trung ba năm sáu tháng tù và Duy năm năm tù cùng về tội cố ý gây thương tích. Sau đó cả năm kháng cáo kêu oan.

Ngày 4-11-2016, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Cà Mau đã chấp nhận đề nghị của VKS, tuyên hủy bản án sơ thẩm. HĐXX nhận định nhiều chứng cứ mâu thuẫn, chưa đủ căn cứ buộc tội. Quá trình điều tra, cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Bị cáo Thời vừa bị chém vừa đi tìm người chém trả thù cùng một khoảng thời gian là không phù hợp. Có nhân chứng xác nhận Duy rời khỏi phòng nhậu đi mua bia thì phải làm rõ sau khi mua thì Duy có mang bia về không, mua ở đâu. Trong khoảng 5-10 phút đó có đủ để đi đánh nhau hay không.

Ban đầu người bị hại khai rằng không thể nhận dạng người đã chém mình vì ban đêm, sự việc xảy ra rất nhanh. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại lại chỉ người chém mình là Nam. Sau khi hồ sơ trả về để cấp sơ thẩm điều tra lại thì đến nay vẫn chưa có cáo trạng mới.

Từ trái sang phải: Nam, Thời, Trung, Long viết đơn kêu oan sau khi được bảo lãnh tại ngoại. Ảnh: CTV

Các bị cáo đều có bằng chứng ngoại phạm?

Tại hai phiên tòa đã qua, năm bị cáo đều kêu oan, cho rằng bị đánh đập và ép ký vào biên bản nhận tội có sẵn.

Thời cho rằng khi đang dắt xe đi bộ thì bị 7-8 người đi xe máy chém. Thời nhờ người báo công an rồi đi cấp cứu ngay chứ không đi tìm người để trả thù vì không biết ai chém mình.

Long khai đêm đó Long ngủ tại nhà cùng ba người bạn. Thời gian bị cho là đi đánh nhau thì Long đang nhắn tin trên Facebook, có bản chụp ngày giờ và nội dung chat làm chứng cứ. Khi bị bắt chưa đủ 16 tuổi nhưng việc lấy lời khai của Long không có sự chứng kiến của người giám hộ. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh đã thừa nhận việc vi phạm tố tụng của VKS cấp dưới.

Trung thì khẳng định đêm đó đang ngủ ở nhà với hai con. Sau khi xảy ra vụ chém người ở gần nhà, mẹ Trung đến kêu cửa thì Trung mới chạy ra xem. Còn Duy khai đêm đó Duy uống bia tại phòng trọ với bạn từ 10 giờ đến sáng hôm sau. Lời khai của bạn Duy cũng khẳng định có nhậu với Duy vào thời gian này. Duy có chạy xe đi mua bia trong thời gian khoảng 5-10 phút…

Luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo chỉ ra những điểm không ổn trong hồ sơ và bản án sơ thẩm. Cụ thể, bản án ghi nhận cùng một thời gian nhưng ở hai nơi khác nhau khi Thời vừa bị chém vừa đi tìm người để chém. Cáo trạng xác định Thời bị chém lúc 23 giờ 30 nhưng lời khai tại tòa của nhiều người khẳng định Thời bị chém vào khoảng 1 giờ 15 và nhập viện lúc 2 giờ sáng. Còn theo lời khai của một trong ba người bị hại thì họ cùng ăn cháo lúc 2 giờ sáng và bị chém ngay sau đó. Thời gian này bị cáo Thời đang nằm bệnh viện.

Theo các LS, có dấu hiệu của việc CQĐT đã bắt nhầm người. Cụ thể: Do Long khai đêm đó Long đi ăn bánh mì cùng người bạn tên Duy và Nam nên Duy và Nam bị bắt. Trung thì bị bắt do cùng đi ăn cháo với Nam.

Còn Lâm Tấn Phong bị bắt do Thời khai “được anh Phong đưa đi bệnh viện”. Nhưng Phong này thực ra là Nguyễn Tấn Phong, một người khác, chứ không phải Lâm Tấn Phong mà công an đã bắt. Theo các LS, Lâm Tấn Phong, Nguyễn Anh Duy và Nguyễn Hoài Nam bị bắt do trùng tên với người bạn mà Thời và Long khai rằng đêm đó có gặp họ. Theo các LS, sự thật là có một vụ chém người xảy ra đêm đó nhưng ai là hung thủ thì không bắt được, còn các bị cáo thì bị bắt do có thể có sự nhầm lẫn của công an.

Cần lưu tâm các chứng cứ ngoại phạm

Chứng cứ ngoại phạm là bằng chứng có giá trị chứng minh mạnh nhất (tuyệt đối) trong tố tụng hình sự, chứng minh sự không liên quan của nghi can, bị cáo trong vụ án. Điều này đồng nghĩa với việc nghi can sẽ không bị truy tố nếu vụ án chưa được đưa ra xét xử hoặc bị cáo sẽ được tuyên vô tội nếu đã được đưa ra xét xử.

Truy tố một con người thì chứng cứ phải hợp pháp, khách quan, toàn diện. Tình tiết của vụ án cho thấy bảy nhân vật đều có dấu hiệu bị bắt bởi sự nhầm lẫn của cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tế đã có hai người trong vụ án này bị bắt lầm và đã được thả ra vì có chứng cứ ngoại phạm. Theo tôi, cấp có thẩm quyền cần xem xét thấu đáo các chứng cứ trong hồ sơ cũng như trình bày của năm thanh niên này tại các phiên tòa để đảm bảo không làm oan người vô tội.

LS PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao

2 người bị bắt khẩn cấp, sau được thả

Ngoài năm bị cáo thì vụ án còn có anh Hà Gia Nguyên và anh Lâm Tấn Phong bị công an bắt khẩn cấp nhưng sau đó cả hai được thả.

Lý do, anh Phong được xác định tại thời điểm xảy ra vụ án đang làm việc ở quán karaoke, có chủ quán xác nhận và camera ghi lại hình ảnh. Còn anh Nguyên từng viết “Tờ nhận tội” mô tả chi tiết việc đánh và chém người nhưng đã được xác định đêm đó anh làm việc ở một nhà nghỉ cách hiện trường hơn 100 km, có chủ nhà nghỉ xác nhận và hình ảnh chứng minh…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm