Giám đốc và nhân viên chi nhánh ngân hàng cùng bị khởi tố

CQĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Liên quan đến Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng chiếm đoạt gây thiệt hại cho BIDV hơn 864 tỉ, CQĐT đã đề nghị truy tố bốn bị can.

Cụ thể, Ngô Duy Chính (cựu giám đốc BIDV Hà Thành), Nguyễn Xuân Giáp (cựu phó giám đốc BIDV Hà Thành), Phạm Hồng Quang (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Thành) và Đặng Thành Nam(cựu cán bộ BIDV Hà Thành) bị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Bị can Đoàn Hồng Dũng (cựu giám đốc công ty Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ Dũng, thành viên góp vốn công ty) bị đề nghị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

CQĐT xác định bị can Sơn là đồng phạm giúp sức cho Dũng. Ngoài ra còn có 10 người thân, nhân viên có hành vi giúp sức cho vợ chồng Dũng nhưng chưa đủ căn cứ xác định có sự bàn bạc nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bị can Đoàn Hồng Dũng. Ảnh: Bộ Công An

Theo kết luận điều tra, Công ty Trung Dũng có vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Từ năm 2007-2011, BIDV chi nhánh Hà Thành đã cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng với ba hình thức.
Cụ thể là bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán trái phiếu để đầu tư vào Công ty gang thép Thái Nguyên (Công ty TISCO) và cho vay hạn mức tín dụng ngắn hạn để phục vụ mua bán hàng hoá và cấp tín dụng bằng hình thức phát hành L/C nhập khẩu hàng hoá.
Bị can Dũng sau khi được giải ngân đã tự ý bán tài sản đảm bảo mà không được BIDV đồng ý. Số tiền thu về từ việc bán hàng, Dũng đã không chuyển về tài khoản của công ty tại BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn như cam kết mà chiếm đoạt để sử dụng cá nhân và hoạt động của công ty. Đến nay, Công ty Trung Dũng không có khả năng trả nợ 263 tỉ đồng cho BIDV.
Về phía ngân hàng, CQĐT xác định người chịu trách nhiệm chính, xuyên suốt với những sai phạm và hậu quả là ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch HĐQT BIDV). Các bị can thuộc BIDV Hà Thành là đồng phạm với ông Hà trong việc thẩm định, cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng.
Trong khi đó, ông Hà khai chỉ biết công ty Trung Dũng là khách hàng của BIDV thông qua đầu mối chi nhánh Hà Thành chứ không có quan hệ tài chính với công ty cũng như giám đốc Dũng.

Bị can Đặng Thành Nam, cựu cán bộ tín dụng BIDV Hà Thành. Ảnh: Bộ Công an

Ông Hà thừa nhận bản thân là người ký phê duyệt với vai trò là chủ tịch hội đồng quản lý tín dụng, phê duyệt đồng ý cấp hạn mức tín dụng và cấp L/C nhập khẩu hàng hoá. 

Khi cấp L/C cho khách hàng, do không đọc kỹ tờ trình tín dụng nên không để ý các điều kiện tín dụng của công ty này. Do đó đã đồng ý cấp tín dụng khi khách hàng không đủ điều kiện theo quy định. 

Ông Hà cho rằng việc quyết định cấp tín dụng là làm việc theo chế độ tập thể, trên cơ sở ý kiến của Hội đồng. Nhưng ông khẳng định chịu trách nhiệm cá nhân đối với quyết định của mình ở vai trò là người quyết định cao nhất, cuối cùng. Ông bị khởi tố nhưng đã tử vong trong quá trình tạm giam do bệnh lý nên được đình chỉ điều tra.

Trong khi bị can Dũng khai khi vay vốn tại BIDV chi nhánh Hà Thành, Dũng là người trực tiếp liên hệ làm việc với giám đốc BIDV chi nhánh cũng như làm việc với ông Hà, chủ tịch BIDV.

Phương án vay vốn, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch sử dụng tiền vay, kế hoạch trả nợ đều do mình quyết định. Sau đó Dũng chỉ đạo các nhân viên làm thuê tại công ty để hoàn thiện hồ sơ thực hiện kế hoạch.

Người liên quan, Đào Trung Kiên (cựu phó giám đốc BIDV CN Hà Thành) khai từ tháng 8 đến 10-2011 phụ trách quan hệ khách hàng. Ông Kiên thẩm định phê duyệt các khoản vay trong hạn mức.

Tuy nhiên, khi giải ngân cho vay một số khoản, ông nhận thấy có vi phạm về tỷ lệ tài sản nên đã có ý kiến về việc giảm dần dư nợ, yêu cầu dừng giải ngân… cho công ty Trung Dũng.

Vì vậy Kiên đã bị ông Hà đe dọa sẽ không cho phụ trách mảng tín dụng. Đến ngày 14-10-2011, Kiên bị giám đốc chi nhánh luân chuyển công tác, không được tiếp tục phụ trách mảng quan hệ khách hàng. Sau đó, ông phải chuyển công tác sang đơn vị khác, thôi không làm việc tại BIDV. 

Bị can Phạm Hồng Quang. Ảnh: Bộ Công An

CQĐT đánh giá ông Kiên thành khẩn khai báo, hợp tác tốt, cung cấp thông tin tài liệu phục vụ có hiệu quả trong hoạt động điều tra làm rõ tội phạm. Hậu quả các khoản vay liên quan đến ông đã được tất toán hết, hậu quả được khắc phục… CQĐT đề nghị không xem xét trách nhiệm hình sự.

Còn bị can Đặng Thành Nam (cựu cán bộ tín dụng BIDV Hà Thành) thừa nhận nguyên nhân có những sai phạm là do sức ép từ lãnh đạo ngân hàng.

Cụ thể khi thực hiện phát hiện có vi phạm, ông Kiên ngưng giải ngân thì bị ông Hà tác động buộc điều chuyển công tác như trên. Từ đó, Nam và các cán bộ BIDV khác biết rằng khách hàng này có mối quan hệ với ông Hà.

Khi đề nghị mở L/C thì trên đề nghị của khách hàng có bút phê chỉ đạo của ông Hà trước khi chuyển đến phòng quan hệ khách hàng nên Nam và các cán bộ phải đề xuất cho vay.

Bị can thừa nhận hành vi của mình là sai phạm nhưng mong được xem xét về chỉ làm việc dưới sự chỉ đạo và chịu sức ép tinh thần từ cấp trên mình không phải là người giữ vai trò quyết định.

Tương tự, bị can Phạm Hồng Quang (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Thành) cũng có lời khai làm việc theo sự chỉ dạo và chịu sức ép tinh thần từ cấp trên. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm