Mở lại phiên xử gian lận điểm thi ở Hà Giang, Sơn La

Theo dự kiến, hôm nay (14-10) TAND tỉnh Hà Giang sẽ đưa vụ án gian lận điểm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 ra xét xử sơ thẩm. Nếu không có gì thay đổi thì ngày mai, 15-10, TAND tỉnh Sơn La cũng đưa vụ gian lận điểm thi xảy ra tại tỉnh này ra xử sơ thẩm.

Cách đây một tháng, cả hai phiên tòa đã phải hoãn vì vắng mặt rất nhiều người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Hà Giang: Không chứng minh được yếu tố vụ lợi

Tại Hà Giang, năm bị cáo bị truy tố về ba tội danh khác nhau, gồm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Hồ sơ vụ án cho thấy Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương (cựu trưởng phòng và cựu phó Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT) đã bàn bạc, phân công nhau thực hiện sửa chữa bài thi. Trong đó, Hoài đưa danh sách những thí sinh cần được nâng điểm, còn Lương trực tiếp tác động vào bài làm của 107 thí sinh với 309 bài thi.

Kết quả, thí sinh được nâng điểm cao nhất với bốn môn thi là 29,95 điểm, thí sinh được nâng ít nhất với một môn thi là 2,2 điểm. Điển hình, con trai của bị can Phạm Văn Khuông (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT) được nâng 13,3 điểm.

Đáng chú ý, quá trình điều tra, cơ quan công an tiến hành lấy lời khai của 94/107 phụ huynh hoặc người liên quan thì có 41 người khẳng định nhờ Hoài và Lương nâng điểm cho con cháu họ. Tuy nhiên, dù đã áp dụng tất cả biện pháp theo quy định pháp luật, CQĐT vẫn không thể thu thập được chứng cứ để chứng minh có yếu tố vụ lợi trong vụ án.

Các gia đình này khai không đưa tiền hoặc lợi ích vật chất để nhờ nâng điểm, hai bị can Hoài và Lương cũng không thừa nhận được hưởng lợi ích vật chất gì mà chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè và người thân.

Các bị cáo trong vụ gian lận điểm tại Sơn La. Ảnh: TUYẾN PHAN

Hàng tỉ đồng hối lộ nhưng không “cột” được tội này

Tại Sơn La, tám bị can cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Cơ quan tố tụng xác định những người này vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác (quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...) câu kết với nhau thực hiện hành vi rút bài thi trắc nghiệm sửa, nâng điểm; in khóa phách vòng một, vòng hai để nâng điểm cho 44 thí sinh.

Khác với Hà Giang, quá trình điều tra, một số bị can trong vụ gian lận điểm Sơn La đã thừa nhận được hưởng lợi ích vật chất để nâng điểm cho thí sinh.

Cụ thể, Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) khai đã nhận của NMK 1 tỉ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho hai thí sinh. Số tiền này Huynh và người nhà đã tự nguyện giao nộp cho CQĐT.

Ngoài ra, Huynh còn khai nhận của bà LTT số tiền 300 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho thí sinh LMH. Ngày 24-1-2018, Huynh đã trả lại số tiền này cho bà T.

Tương tự, Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng khảo thí) khai đã nhận của TVĐ 1,040 tỉ đồng để giúp sửa bài, nâng điểm cho bốn thí sinh. Số tiền trên Nga đã tự nguyện nộp cho công an.

Bị can Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng Phòng Chính trị - tư tưởng) cũng khai nhận của HTT số tiền 440 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho thí sinh DHT và đã nộp toàn bộ số tiền này.

Còn Đặng Hữu Thủy (cựu phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu) khai đã nhận 500 triệu đồng của ba người để giúp sửa, nâng điểm cho bốn thí sinh. Một trường hợp khác cũng hứa sẽ đưa 270 triệu đồng nếu giúp nâng điểm nhưng thực tế Thủy chưa nhận tiền. Đến nay bị can đã trả lại số tiền trên cho gia đình các thí sinh.

VKSND tỉnh Sơn La nhận định hành vi của bốn bị can trên có dấu hiệu của các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Tuy nhiên, những người được cho là đưa tiền lại không thừa nhận. Ngoài lời khai của Nga, Sọn, Huynh, Thủy và số tiền đã nộp, không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh.

Do đó, cơ quan tố tụng nhận định không đủ căn cứ để truy cứu các bị can cũng như những người này về tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ. “Số tiền Nga, Sọn, Huynh, Thủy nhận của các đối tượng được xác định là tiền do vụ lợi mà có” - cáo trạng kết luận.

Vợ và em ruột bí thư “dính” vụ gian lận điểm

Trong vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, mới đây nhất, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã có thông báo về việc xem xét, xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bao gồm nhiều người có con em được nâng điểm. Có 151 trường hợp được xác định có vi phạm, bao gồm 46 người đến mức phải kỷ luật, 29 người phải kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Trong số này, em gái của ông Triệu Tài Vinh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, hiện là phó trưởng Ban Kinh tế trung ương) bị khiển trách vì nhờ người tác động nâng điểm cho con ông Vinh. Vợ ông Vinh cũng phải kiểm điểm sâu sắc vì để em chồng tác động nâng điểm cho con mình.

Riêng với ông Vinh, do là cán bộ thuộc diện trung ương quản lý nên xem xét, kiểm điểm (nếu có) thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm