Tòa huyện không nên ‘xử’ chủ tịch huyện?

ĐB Đỗ Văn Đương nhìn nhận dự thảo luật lần này có điểm mới dịch chuyển thẩm quyền xét xử là phù hợp. Cụ thể là đưa khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện lên tòa cấp tỉnh xét xử. Đồng thời đưa khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND tỉnh, chủ tịch tỉnh chuyển lên tòa cấp cao xét xử. Như vậy cũng không lo các tòa này quá tải vì số vụ án hành chính không nhiều.

Mặt khác, một số ý kiến cho rằng để tạo điều kiện cho người dân cần có quy định mở để người dân có quyền lựa chọn tòa án. Theo đó, người dân có thể lựa chọn tòa ở huyện khác, tỉnh khác gần nơi mình sinh sống để khởi kiện vụ án hành chính. “Người dân vẫn nói vụ án hành chính là vụ án “con kiến kiện củ khoai”! Phải làm sao để tinh thần “con kiến kiện củ khoai” đó tin vào công lý. Không sợ người dân phải đi xa. Người dân phải đi xa hơn một tí nhưng niềm tin vào công lý tốt hơn một tí thì họ sẽ cố gắng đi xa thôi” - ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa Tối cao, cho rằng: “Trong nhiều năm qua, đặc biệt ngay ba năm vừa rồi khi giao thủ tục tố tụng hành chính mới thì án hành chính bị sửa, bị hủy vẫn rất cao - hằng năm đến 45% và không giảm. Tại sao như vậy? Tôi nghĩ không phải thuộc năng lực của thẩm phán cấp huyện mà việc quan trọng ở đây là áp lực cho thẩm phán khi giải quyết các vụ án đối với khiếu kiện, đối với người lãnh đạo các cấp của cấp huyện, của cấp tỉnh”. “Nếu quyết định giao các án đó thuộc thẩm quyền cấp huyện cho cấp tỉnh, vậy án thuộc cấp tỉnh giải quyết giao cho ai? Rõ ràng không thể làm được vấn đề đó” - ông Độ tiếp. Để giải quyết vấn đề này, ông Độ đề nghị: Đối với tòa án hành chính nên giao quyết định, giao thẩm quyền chéo. Tức là thẩm quyền của tòa án huyện này xử khiếu kiện hành chính đối với huyện kia. Chủ tịch UBND huyện này có quyền lựa chọn một tòa án huyện khác trong phạm vi tỉnh đó… “Như vậy, chúng ta vẫn mở rộng được thẩm quyền của tòa án cấp huyện, đồng thời tránh được áp lực không cần thiết và đảm bảo sự độc lập của thẩm phán” - ông Độ nói.

Về việc thi hành án (THA), nhiều ĐB cho rằng THA hành chính ách tắc rất nhiều, tình trạng “án bỏ túi” khá phổ biến. Thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp người dân thắng kiện nhưng bản án khó mà được thực hiện trên thực tế. Án có rồi nhưng không thi hành được.

“Khi có sự dịch chuyển về thẩm quyền xét xử thì đồng thời đặt ra việc cần dịch chuyển cả việc THA. Vì vậy tất cả bản án xét xử đối với quyết định, hành vi của UBND huyện, chủ tịch UBND huyện cần giao cho cơ quan THA tỉnh tổ chức thực hiện. Tương tự với cấp tỉnh thì do Tổng cục THA tổ chức thực hiện. Như vậy sẽ đỡ vướng víu khi thi hành. Cần phải có sự đổi mới đồng bộ như vậy” - ĐB Đỗ Văn Đương đề xuất.

Bảo vệ cho người dân yếu thế

Luật này phải thiết kế làm sao để bảo vệ được cho người yếu thế đi kiện bên có quyền. Phải thiết kế từ các khâu khởi kiện, xét xử, THA bảo vệ công lý cho người yếu thế. Cần làm rõ hơn việc VKS tham gia phiên tòa là để bảo vệ công lý cho người yếu thế chứ không phải bảo đảm quyền lợi cho người có chức quyền.

ĐB TRẦN DU LỊCH, Đoàn TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm