Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, TAND Cấp cao tại Hà Nội vừa mở phiên phúc thẩm xét xử ba bị cáo trong vụ đưa hối lộ liên quan đến vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty CP VN Pharma. Theo đó, tòa xử Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma) năm năm tù về tội đưa hối lộ, Dương Kim Sơn (giám đốc Công ty Luật TNHH Minh Sơn) 17 tháng 17 ngày tù và Lê Phú Toàn (phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thạch Bàn) 14 tháng 30 ngày tù, cùng về tội môi giới hối lộ.
Đồng thời, bản án phúc thẩm cũng xác định chỉ có người đưa hối lộ, không có người nhận hối lộ dù các bị cáo đã khai “đích đến” của việc đưa hối lộ. Cụ thể, sau khi Quốc chuyển cho Sơn 10,8 tỉ đồng nhờ “chạy án”, Sơn đã chuyển 7,2 tỉ đồng cho Toàn và Toàn khai có chuyển tổng cộng 6,1 tỉ đồng và 50.000 USD cho hai người làm việc tại Vụ 1, VKSND Tối cao là NTT và BTT để giúp cho Quốc.
Nhiều ý kiến cho rằng việc định tội danh trong vụ án này còn chưa chuẩn, chưa phù hợp.
Sau khi Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty VN Pharma) bị bắt, Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma) tìm người để "chạy án" trước cho mình. Ảnh: HG
Tội danh môi giới hối lộ là đúng?
Luật sư (LS) Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao) phân tích: Thứ nhất, về hành vi khách quan, sau khi Sơn nhận số tiền 10,8 tỉ đồng do cấp dưới của Quốc chuyển đến, tiếp đó Sơn chuyển lại cho Toàn 7,2 tỉ đồng mục đích để liên hệ với các cán bộ của VKSND Tối cao nhờ “chạy án”.
“Nếu xử họ về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ rơi vào khoản 4 Điều 174 BLHS với khung hình phạt lên đến chung thân; còn nếu xử theo khoản 4 Điều 365 BLHS về tội môi giới hối lộ thì có khung hình phạt cao nhất là 15 năm. Như vậy, tội môi giới hối lộ sẽ nhẹ hơn tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng bị cáo Quốc, hành vi đưa hối lộ đã rõ” - LS Hùng nói.
Thứ hai, xét về bản chất của hành vi, sau khi nhận tiền từ Sơn, Toàn có khai đưa cho các cán bộ của VKSND Tối cao 6,1 tỉ đồng và 50.000 USD. Nhưng quá trình điều tra, cơ quan tố tụng không chứng minh được những người này nhận hối lộ nên không thể xử được họ về tội nhận hối lộ. Nếu Sơn và Toàn khai hoàn toàn không dính líu hay liên hệ về bất kỳ điều gì với những kiểm sát viên của VKSND Tối cao mà chỉ để lấy tiền từ Quốc thì khi đó hai người này phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, trong thực tế Sơn và Toàn khai nhận có đưa tiền, cụ thể Toàn khai sau khi nhận được hơn 7,2 tỉ đồng từ Sơn, Toàn đã đưa cho anh NTT (kiểm sát viên trung cấp thuộc Vụ 1, VKSND Tối cao) 5 tỉ đồng và đưa cho bà BTT (cán bộ Vụ 1, VKSND Tối cao) 1,1 tỉ đồng và 50.000 USD để nhờ “giúp đỡ”. Mặc dù không chứng minh được các cán bộ của VKS nhận tiền nhưng cũng không có cơ sở để cho rằng lời khai trên là không đúng và cũng không loại trừ khả năng các kiểm sát viên nhận tiền nhưng chối bỏ.
Cũng cần nói thêm rằng việc không chứng minh được người nhận hối lộ là do thiếu chứng cứ, nên để tránh việc oan sai thì không xử những người này (nếu có) về tội nhận hối lộ. Điều này không đồng nghĩa với việc Toàn và Sơn dùng số tiền Quốc chuyển để chiếm đoạt 100%, nếu suy luận như điều vừa nói là trái với nguyên tắc suy đoán vô tội.
Từ đó, nếu không có cơ sở vững chắc xác định hai bị cáo phạm tội chiếm đoạt, các cơ quan tố tụng sẽ áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội theo Điều 13 của BLTTHS, tức theo hướng có lợi cho hai bị cáo, để xử ở tội nhẹ hơn. “Trong trường hợp này, tòa không xử Sơn và Toàn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà xử về tội môi giới hối lộ (có khung hình phạt nhẹ hơn) là đúng luật, chính xác và nhân văn” - LS Hùng nhấn mạnh.
Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma) tại phiên tòa phúc thẩm năm 2017 vụ buôn lậu thuốc tại VN Pharma (mới đây VKSND Tối cao đã truy tố tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, sau khi điều tra lại). Ảnh: HOÀNG GIANG
Sơn tội môi giới, Toàn phạm tội khác?
Một chuyên gia về luật hình sự (đề nghị không nêu tên) nêu quan điểm: Sau khi có ý định “chạy án”, Quốc có đề cập với Sơn về việc này và giữa hai người này ban đầu có sự bàn bạc, thống nhất tìm “người quen” để tiếp cận với các cán bộ của VKSND Tối cao nhờ “giúp đỡ”.
Về mặt ý chí, Sơn cũng chỉ muốn kết nối giữa người đưa hối lộ là Quốc và người nhận hối lộ gặp nhau để chuyển yêu cầu, lợi ích vật chất của Quốc đến người có thẩm quyền, từ đó người này giải quyết mọi chuyện “êm đẹp” cho Quốc. Ý định của Sơn là môi giới và đồng thời cũng chỉ thực hiện hành vi liên quan đến môi giới. Sau khi Quốc chuyển tiền cho Sơn, Sơn đã chuyển tiền lại cho Toàn nên có thể nhận định hành vi môi giới của Sơn đã thực hiện xong.
Về phần Toàn, ban đầu cũng có ý định là môi giới hối lộ vì Toàn đã đi tiếp cận với cán bộ có thẩm quyền của VKSND Tối cao, đồng thời tiếp cận được một số thông tin liên quan đến vụ án từ nguồn của người trong VKSND Tối cao mà Toàn quen biết trước. Tuy nhiên, Toàn đã biết kết quả là những người Toàn nhờ giúp không thể can thiệp vào vụ án nhưng vẫn lợi dụng các mối quan hệ, các nguồn tin để hứa hẹn với bên đưa hối lộ, môi giới hối lộ để nhận tiền “chạy án”.
Điều quan trọng ở đây là Toàn biết được việc Quốc, Sơn nhờ đã bất thành nhưng vẫn nhận tiền thì hành vi này khi đó không còn là môi giới hối lộ nữa mà có dấu hiệu của một trong hai tội là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều 366 BLHS, có khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù).
Cụ thể hơn, hành vi ở đây là lợi dụng sự quen biết đối với người có chức vụ, quyền hạn trong Vụ 1 VKSND Tối cao, khai thác được những thông tin để cung cấp cho người đưa tiền, từ đó nhận tiền của người đưa hối lộ để chiếm đoạt, sử dụng. Dấu hiệu của hành vi rõ nhất cho thấy Toàn phạm vào tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Mặt khác, hành vi của Toàn cũng có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi ở đây, Toàn không có khả năng thực hiện thành công việc môi giới (mặc dù ban đầu có ý định là môi giới) nhưng vẫn cung cấp thông tin, đưa ra lời hứa hẹn, làm cho người nhờ “chạy án” tin tưởng Toàn có thể giúp được người đưa hối lộ thoát tội, nhẹ tội. Đó cũng được xem là dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cạnh đó, trong vụ án này tuy có yếu tố gian dối, lừa đảo của Toàn nhưng đó chỉ là một phần. Yếu tố quyết định làm cho người đưa tiền hối lộ tin tưởng chính là sự lợi dụng mối quan hệ quen biết cũng như ảnh hưởng của Toàn với một số cán bộ của VKS. Đồng thời, yếu tố gian dối, lừa đảo không mang tính quyết định để Toàn chiếm đoạt tiền trong trường hợp này mà là từ yếu tố quan hệ như vừa đề cập. Từ đó, nếu đánh giá một cách khách quan, toàn diện thì hành vi của Toàn có dấu hiệu của tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi nhiều hơn so với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
* * *
Có lẽ chúng ta rất dễ đồng tình với tội danh đưa hối lộ của Quốc vì dấu hiệu cấu thành đã rất rõ. Tuy nhiên, với Sơn và Toàn thì lại còn nhiều ý kiến khác nhau. Trường hợp “tranh chấp” tội danh này, khoa học luật hình sự gọi tên là gì và thật sự tội nào mới đúng? Mời bạn đọc tiếp tục đón xem trên Pháp Luật TP.HCM số ra thứ Hai 8-7.
Có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho Quốc! Theo chuyên gia pháp luật (đề nghị không nêu tên), riêng về hành vi của Ngô Anh Quốc (cựu phó tổng giám đốc VN Pharma) đã cấu thành tội đưa hối lộ và đã thực hiện xong. Theo quy định tại Điều 364 BLHS về tội đưa hối lộ, người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ (khoản 7). Có thể sau khi bị khởi tố, Quốc mới tố cáo hành vi của Sơn và Toàn nhưng rõ ràng trước khi Quốc đưa ra đơn tố cáo thì cơ quan chức năng không hề biết có hay không sự tồn tại của hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ (kể cả hành vi của Toàn). Phải nhờ sự tố cáo của Quốc thì CQĐT mới biết được sự việc trên nên trong trường hợp này vẫn phải xem Quốc chủ động khai báo, chủ động tố giác trước khi hành vi phạm tội bị phát giác để xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự cho Quốc. “Xử như thế với Quốc không được hợp tình, hợp lý” - vị này nêu quan điểm. Tội nào nặng hơn? 1. Khoản 4 Điều 365 BLHS về tội môi giới hối lộ quy định: Phạm tội thuộc trường hợp của hối lộ trị giá 1 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù 8-15 năm. 2. Khoản 3 Điều 366 BLHS về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi quy định: Phạm tội trong trường hợp tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 5-10 năm. 3. Khoản 4 Điều 174 BLHS về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù 12-20 năm hoặc tù chung thân. |