Chiều 23-4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh cáo ông có thể tuyên bố thiết quân luật để đối phó với việc cứu trợ dân bị ảnh hưởng vì COVID-19 bị cản trở, theo hãng tin Reuters.
“Tôi cảnh báo đến tất cả mọi người, các lực lượng vũ trang và cảnh sát. Tôi có thể tuyên bố thiết quân luật và sẽ không rút lại quyết định đó” – ông Duterte nói khi bắt đầu phiên họp về COVID-19 chiều 23-4.
Ông Duterte yêu cầu các đối tượng ngừng ngay việc chống đối hay ngăn cản công tác cứu trợ người dân bị ảnh hưởng vì các biện pháp phong tỏa. Ông cũng yêu cầu quân đội luôn trong tình trạng sẵn sàng.
Tổng thống Philippines trong cuộc họp về kéo dài lệnh phong tỏa thủ đô Manila hôm 23-4. Ảnh: AP
Tổng thống Duterte đồng ý kéo dài thời hạn phong tỏa thủ đô Manila đến hết ngày 15-5 để ngăn chặn sự lây lan đại dịch COVID-19.
Ông Harry Roque – phát ngôn viên của Tổng thống Duterte cho biết việc kéo dài lệnh phong tỏa cũng sẽ được áp dụng đối với những khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Còn ở những khu vực có mức độ rủi ro thấp, Philippines sẽ điều chỉnh và nối lại hoạt động sản xuất, vận tải và thương mại.
Ông Duterte nói thêm rằng sẽ trao phần thưởng trị giá 50 triệu peso (khoảng 986.000 USD) cho bất kỳ người dân Philippines nào tạo ra vaccine ngừa COVID-19.
"Tất cả chúng ta đều có nguy cơ. Đừng để gia tăng bất kỳ rủi ro hay cơ hội xuất hiện dịch bệnh” – ông Duterte cảnh báo.
Tính đến ngày 24-4, Philippines ghi nhận 7.192 ca nhiễm COVID-19, trong đó thủ đô Manila chiếm đến 2/3. Philippines cũng đã có 477 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, theo trang thống kê Worldometer. Thủ đô Manila – thành phố đông đúc nhất Philippines với hơn 13 triệu dân và hàng triệu người nhập cư đã chứng kiến sự ảnh hưởng vô cũng nặng nề vì đại dịch COVID-19.
Reuters cho biết dù có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 ở mức thấp so với một số tâm dịch lớn, nhưng Philippines là một trong ba quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh phong tỏa và cách ly tại nhà, sau Trung Quốc và Ý.
Chẳng hạn ngày 12-3 vừa qua, chỉ năm ngày sau các ca nhiễm đầu tiên trong nước, Philippines đã ban hành lệnh hạn chế nhập cảnh, hạn chế đi lại, thương mại, tụ tập đông người. Lệnh hạn chế nhập cảnh này tiếp tục được kéo dài thêm từ ngày 16-3, ngoại trừ công dân Philipines hồi hương.
Các nhân viên y tế Philippines tại một buồng xét nghiệm COVID-19 đặt bên ngoài một bệnh viện ở Manila. Ảnh: REUTERS
Các hãng hàng không ở Philippines cũng sẽ tiếp tục kéo dài tạm ngưng hoạt động các chuyến bay quốc tế và nội địa đến giữa tháng 5 sau khi có lệnh kéo dài phong tỏa. Tuy nhiên, các chuyến bay vận chuyển hàng hóa vẫn sẽ được tiếp tục.
Việc Philippines kéo dài phong tỏa là giúp ngành dịch vụ y tế tránh được quá tải và tạo cơ hội cho việc tăng cường xét nghiệm COVID-19.
Hiện Philippines mới tiến hành được 72.000 xét nghiệm và chính phủ nước này ước tính chỉ có thể theo dõi được khoảng ¼ số người có nguy cơ nhiễm bệnh. Chính vì thế, Bộ Y tế Philippines cho biết còn quá sớm để nói “đường cong dịch đã được làm thẳng”, theo Reuters.