Theo hãng tin Sputnik, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) hôm 31-3 đã có cuộc họp lần thứ ba liên quan đến những vấn đề ở Myanmar nhằm kêu gọi giảm thiểu căng thẳng sau khi xảy ra cuộc chính biến vào ngày 1-2.
Chủ tịch HĐBA LHQ Đặng Đình Quý cho biết các thành viên của HĐBA đang hết sức lo ngại về "tình hình xấu đi một cách nhanh chóng" ở Myanmar và "lên án mạnh mẽ" những hành vi bạo lực của chính quyền quân sự dẫn đến "cái chết của hàng trăm thường dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em”.
Trong cuộc họp, HĐBA "nhắc lại lời kêu gọi quân đội Myanmar thực hiện kiềm chế tối đa" và nhấn mạnh "sự cần thiết phải tôn trọng đầy đủ các quyền con người và theo đuổi phương pháp đối thoại và hòa giải theo ý nguyện và lợi ích của người dân Myanmar”.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị chính quyền quân sự trả tự do cho tất cả những quan chức Myanmar bị bắt giữ liên quan đến cuộc chính biến, bao gồm Tổng thống Win Myint và nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi.
"Các thành viên của Hội đồng Bảo an ủng hộ những việc làm hỗ trợ nhân đạo an toàn và không bị cản trở cho tất cả những người có nhu cầu" - ông Quý cho hay.
"HĐBA lo ngại những diễn biến gần đây đã đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với việc trở về nước một cách tự nguyện, an toàn, đàng hoàng của những người tị nạn và di tản trong nước" - chủ tịch HĐBA LHQ nói thêm.
Tình hình căng thẳng và khủng hoảng ở Myanmar sau cuộc chính biến hôm 1-2 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: SPUTNIK
Theo ông Quý, HĐBA nhấn mạnh rằng "quyền của các dân tộc thiểu số" phải được "bảo vệ đầy đủ”.
Cũng trong cuộc họp hôm 31-3, Đặc phái viên LHQ về Myanmar - bà Christine Schraner Burgener đã cảnh báo một "cuộc đàn áp đẫm máu nữa có thể sẽ xảy ra" nếu HĐBA "không hành động", Sputnik đưa tin.
"Tôi hy vọng các bạn có thể hành động ngay trong khi vẫn còn thời gian để tránh xảy ra thêm bất kỳ sự việc tồi tệ nào" - bà Burgener nói, sau cái chết của ít nhất 114 thường dân ở Myanmar vào cuối tuần qua trong cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu nhất kể từ khi xảy ra cuộc chính biến.
Quân đội Myanmar sử dụng vòi rồng để trấn áp dòng người biểu tình. Ảnh: AFP
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Các Tù nhân Chính trị (AAPP), từ thời điểm xảy ra chính biến đến hiện tại, ít nhất 510 người dân đã thiệt mạng, với 14 người vừa bị bắn chết hôm 29-3, bao gồm cả trẻ em và thanh niên và hơn 2.420 người bị bắt giam.
Quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến với lý do cuộc bầu cử hồi tháng 1-2020 mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng là gian lận, điều mà ủy ban bầu cử của nước này đã bác bỏ.
Bà Suu Kyi hiện vẫn đang bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ. Nhiều nhân vật khác trong đảng NLD cũng đang bị giam giữ.