Tính đến 6 giờ sáng 4-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 3.127 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 92.153 ca nhiễm. Như vậy, so với ngày 3-3, số ca lây nhiễm tăng 728 người, số ca tử vong tăng 41 người.
Đến nay, đã có 223 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, gồm 77 ca ở Iran, 34 ca ở Hàn Quốc, 12 ca ở Nhật Bản (tính cả du thuyền Diamond Princess), hai ca ở đặc khu Hong Kong, 79 ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, bốn ca ở Pháp, một ca ở Philippines, chín ca ở Mỹ, một ca ở Thái Lan, một ca ở Úc, một ca ở San Marino và một ca ở Tây Ban Nha.
Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 48.494 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 492 người so với ngày 3-3.
Nhân viên y tế khử trùng một toa tàu điện ở bang Georgia (Mỹ) ngày 2-3. Ảnh: AFP
Pháp đóng cửa hàng trăm trường học ngừa dịch
Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer ngày 3-3 (giờ địa phương) cho biết nước này đã đóng cửa 120 trường học tại những khu vực có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất và có thể đóng cửa thêm nhiều trường nữa trong những ngày tới, theo hãng tin AFP.
Tại tỉnh Oise, khoảng 35.000 học sinh tiểu học và trung học phải nghỉ ở nhà cho đến khi có thông báo mới, trong khi khoảng 9.000 học sinh ở tỉnh Morbihan bị ảnh hưởng bởi lệnh đóng cửa trường họ. Chính quyền địa phương cũng hạn chế việc đưa học sinh đi các chuyến ra nước ngoài và cấm tụ tập hơn 5.000 người tại các không gian kín. Các trường học được yêu cầu tăng cường xà phòng rửa tay.
Tuy nhiên, ông Blanquer cho biết đây chỉ là kế hoạch tạm thời ở một số vùng bị ảnh hưởng, Paris chưa có kế hoạch đóng cửa trường học toàn quốc.
Tính đến sáng 4-3, Pháp ghi nhận 212 ca nhiễm COVID-19 với bốn trường hợp tử vong.
Ý vượt qua Iran, trở thành nước có ca tử vong cao thứ hai thế giới
Ngày 4-3, hãng tin Reuters dẫn truyền thông Ý cho biết nước này trong 24 giờ qua đã có thêm 27 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng tại quốc gia châu Âu này lên 79, cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục.
Dù vậy, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý Angelo Borelli cũng chia sẻ có hơn 160 người cũng đã được điều trị thành công và xuất viện.
Trước đó hôm 1-3, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh mới bổ sung các biện pháp nhằm ngăn đà lây lan COVID-19. Sắc lệnh mới được mở rộng một số biện pháp đã được áp dụng trước đó để đảm bảo tính thống nhất trên toàn lãnh thổ, triển khai các phương án dự phòng và quản lý tình trạng khẩn cấp của dịch COVID-19.
Theo sắc lệnh mới, Ý được chia thành ba khu vực can thiệp, áp dụng ít nhất đến ngày 8-3. Ngoài các biện pháp áp dụng với vùng đỏ là vùng bị ảnh hưởng nặng nhất, gồm 10 thị trấn điểm dịch tại vùng Lombardia và một thị trấn vùng Veneto. Vùng vàng gồm Emilia Romagna, Lombardia, Veneto, tỉnh Pesaro, Urbino và Savona.
Các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan trong vùng đỏ vẫn tập trung cấm người dân ra vào vùng dịch, đình chỉ các sự kiện, đóng cửa các trường học, ngừng các hoạt động giao lưu giáo dục, đóng cửa các bảo tàng, tạm ngưng hoạt động của các cơ quan hành chính, trừ các dịch vụ thiết yếu, các dịch vụ vận tải.
Tính đến sáng 4-3, Ý ghi nhận 2.502 ca dương tính COVID-19 cùng 79 trường hợp tử vong nêu trên.
Mỹ chưa hết nguy cơ bùng phát dịch
Ngày 4-3, Hạ viện Mỹ khẳng định sẽ thảo luận dự luật ngân sách khẩn cấp với nhiều tỉ USD cho cuộc chiến chống COVID-19 ở nước này, theo đài CNN.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cho biết chính quyền của ông hiện đang làm việc với Quốc hội nhằm thông qua yêu cầu ngân sách khẩn cấp 2,5 tỉ USD của ông. Ông Trump kỳ vọng Quốc hội sẽ tăng mức phê duyệt lên khoảng 8,5 tỉ USD.
Một ngày trước, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thông báo khoảng một triệu bộ thử sẽ được cung cấp cho các phòng xét nghiệm vào cuối tuần này nhằm sớm phát hiện các trường hợp nhiễm bệnh. Các cơ quan quản lý thị trường đã thông qua một đơn đặt hàng khẩn cấp nhằm sản xuất khẩu trang cho nhân viên y tế.
Tính đến sáng 4-3, Mỹ ghi nhận 118 ca lây nhiễm COVID-19 với chín trường hợp tử vong. Hầu hết các ca tử vong đều tập trung ở bang Washington.
WHO: Khả năng đẩy lùi COVID-19 trên toàn cầu vẫn trong tầm tay
Phát biểu trong họp báo cuối ngày 3-3 (giờ địa phương), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tỉ tệ tử vong của COVID-19 là 3,4% trên tổng các ca nhiễm được ghi nhận, cao hơn so với tỉ lệ 1% của cúm mùa Mỹ, theo tờ South China Morning Post.
Ông Ghebreyesus cũng lưu ý COVID-19 không lây lan bằng cúm và có thể khống chế được.
"Tóm lại, COVID-19 lan không mạnh bằng cúm, việc lây nhiễm dường như không do những người không nhiễm bệnh. Nó gây ra bệnh nặng hơn cúm, chưa có bất cứ vaccine hay phương pháp chữa trị nào và có thể kiềm chế được trên toàn cầu", ông Ghebreyesus nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho rằng việc kiểm soát được dịch bệnh vẫn nằm trong tầm tay. "Mọi thứ dường như tệ hơn trước khi trở nên khá hơn", ông Ryan chia sẻ, đề cập đến tình hình dịch diễn biến nghiêm trọng ở Iran và Hàn Quốc.
WHO cũng khẳng định số ca nhiễm mới ở Trung Quốc giảm dần thời gian qua là chính xác.
"Chúng tôi đã hỏi về những con số này khi ở Trung Quốc, chúng tôi đã xem xét cẩn thận số liệu và chúng tôi tin rằng việc giảm này là thật", bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật chương trình khẩn cấp của WHO, khẳng định.
Dù vậy, bà Van Kerkhove không nói liệu dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã đạt đỉnh hay chưa.