Tín hiệu tích cực từ cuộc chiến chống dịch Corona

Những ngày qua, thông tin về chủng virus Corona mới (nCoV) lây lan nhanh trên thế giới, đặc biệt là nước lân cận Trung Quốc, nơi phát hiện ổ dịch đầu tiên khiến không ít người dân hoang mang. Không nằm ngoài sự ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay Việt Nam cũng đã phát hiện 13 ca dương tính với nCoV.

Trong nỗ lực phòng và chống sự lây lan của dịch bệnh viêm phổi do nCoV vẫn có những tín hiệu tích cực, đó là các ca bệnh được phát hiện sớm ở Việt Nam đến nay đã được điều trị âm tính và xuất viện.

“Kíp trực đã rất nhạy cảm”

Phối hợp với Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy trong việc xác định hai cha con người Trung Quốc nhiễm chủng virus nCoV, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, nhận xét kíp trực cấp cứu của BV đã rất nhạy cảm khi kịp thời áp dụng các biện pháp cách ly và vận động hai cha con cùng ở lại điều trị. Dù lúc này người con không cần thiết phải nhập viện do chỉ có dấu hiệu sốt.

“Trường hợp đầu tiên khi chúng ta nghĩ rằng dịch đang còn ở đâu đó chưa vào Việt Nam thì BV Chợ Rẫy, đặc biệt kíp trực hôm đấy, họ đã có nghi ngờ rất nghiệp vụ...” - PGS-TS Phan Trọng Lân nói.

Trực tiếp điều trị cho hai cha con người Trung Quốc, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, kể lại các triệu chứng viêm phổi do virus có thể do nhiều tác nhân khác, chẳng hạn như cúm gia cầm nhưng thời điểm tiếp nhận bệnh nhân, BV đã lường trước tất cả nguyên nhân, không loại trừ do virus nCoV.

Sau khi xác định bệnh nhân dương tính với nCoV, một loại virus mới chưa có phác đồ điều trị chuẩn, chưa có thuốc ức chế, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp điều trị cá thể hóa cho mỗi bệnh nhân tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của mỗi người, mỗi ngày.

Trong đó, việc điều trị hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân phát huy hiệu quả. “Người con khỏe, không có bệnh nền nên phải đảm bảo làm sao cho cơ thể không thiếu nước, đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, sốt cao quá thì hạ sốt, cho tắm nắng trong phòng cách ly, thông thoáng, đủ ánh sáng và súc họng. Có người hiểu nhầm cho bệnh nhân tắm nắng là để diệt virus trong người, thực tế là mở cửa phòng cho ánh sáng đi vào phòng nhằm tiêu diệt môi trường làm cho virus có khả năng tăng lên, gây bệnh nặng cho bệnh nhân” - BS Hùng giải thích.

Do đó, theo BS Hùng, không thể đòi hỏi có một phác đồ chung điều trị cho bệnh nhân nhiễm nCoV. “Thành ra cái này cũng có thể gọi là nghệ thuật chứ không thành một phác đồ cứng nhắc vì từ lúc đầu đến lúc cuối, bệnh nhân đâu có được điều trị giống nhau” - BS Hùng chia sẻ.

Chỉ đạo, theo dõi việc chữa trị cho hai bệnh nhân từ những ngày đầu, BS CK2 Nguyễn Tri Thức chia sẻ việc điều trị cho bệnh nhân người cha gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài nhiễm virus, người cha còn bị bội nhiễm hô hấp do vi trùng diễn tiến hô hấp rất xấu. BV phải huy động nhiều chuyên khoa khác như hô hấp, nội tiết, tim mạch can thiệp vào cuộc đặt stent ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim, ổn định đường huyết cho bệnh nhân... Nhờ đó, diễn tiến bệnh nhân mới cải thiện. Theo BS Thức, việc chú tâm điều trị nhiễm virus, bỏ quên bệnh nền có thể khiến bệnh nhân mất mạng vì bệnh nền trước cả virus.

Về mặt xét nghiệm, hiện tại dù người cha vẫn còn dương tính với virus nCoV nhưng theo PGS Phan Trọng Lân, về mặt lâm sàng, ông rất ấn tượng khi bệnh nhân từ chỗ không tự đứng dậy đi được, thở oxy liều cao, hiện tại các chỉ số ổn định, tự thở được. Do đó, theo ông, vấn đề âm tính chỉ còn là về mặt thời gian vì virus nCoV đang được nhận thấy yếu dần trong cơ thể người bệnh, phù hợp trên người bệnh có nền miễn dịch yếu nên không thể đào thải virus nhanh như người con hoàn toàn khỏe mạnh.

Ba bệnh nhân đầu tiên thoát khỏi nCoV, đã được xuất viện: Anh Li Zichao (người Trung Quốc). Ảnh: Hoàng Lan

Nữ nhân viên lễ tân tại Khánh Hòa. Ảnh: TẤN LỘC

Nữ bệnh nhân người Thanh Hóa. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ba bệnh nhân sắp được xuất viện

Sau nhiều ngày tích cực điều trị, một bệnh nhân ở Thanh Hóa và một bệnh nhân tại Khánh Hòa đã được xuất viện.

Về tình hình bệnh nhân đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương, theo TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc BV, BV đã bố trí hai nơi cách ly cho người dương tính với virus Corona và khu vực cách ly đối với 57 ca. BV huy động tất cả cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch nCoV, trong đó có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ. BV đã thành lập hai đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.

Hiện BV đang điều trị bốn ca dương tính, các ca đã được điều trị có sức khỏe ổn định và được tiếp tục theo dõi. Một trong bốn bệnh nhân đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới trung ương (Cơ sở Đông Anh, Hà Nội) vẫn bị viêm phổi, đó là bệnh nhân TCP, 30 tuổi, trú xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Bệnh nhân được xác định dương tính với virus Corona sáng 4-2, sức khỏe ổn định.

Ba người còn lại các triệu chứng lâm sàng đã ổn định, hết sốt. Nếu không có gì phát sinh, các bệnh nhân này có thể xuất viện trong thời gian tới.

Việt Nam nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona

Ngày 7-2, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã họp triển khai công tác phòng chống dịch.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona mới (nCoV) trong phòng thí nghiệm. 

Việc này sẽ tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Mỗi ngày, tại Việt Nam sẽ có khả năng xét nghiệm hàng ngàn mẫu bệnh phẩm trong trường hợp cần thiết.

Hiện nay, Việt Nam đang có trên 1.000 người từ Trung Quốc trở về và gần 500 người có tiếp xúc gần với người nhiễm nCoV đang được cách ly, theo dõi, giám sát và chờ kết quả xét nghiệm.

Đây sẽ là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine phòng, chống loại virus này trong tương lai và cũng giúp cho việc đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn. Hiện tại Việt Nam vẫn đảm bảo cung ứng đủ sinh phẩm cho việc xét nghiệm.

Đặc biệt, sắp tới có thể sẽ công bố các BV tuyến huyện có khả năng điều trị khỏi bệnh nCoV. Và lãnh đạo Bộ Y tế một lần nữa khẳng định: Ngành y tế Việt Nam đủ năng lực để phòng, chống dịch bệnh này.

Toàn cảnh khu vực cách ly do quân đội phụ trách

Theo hướng dẫn của Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng), tất cả BV, bệnh xá và đơn vị quân y có khám bệnh, chữa bệnh phải có khu vực cách ly, sẵn sàng nhận người bệnh nghi ngờ hoặc chắc chắn đã nhiễm bệnh để cách ly, theo dõi, điều trị; tổ chức người trực, gác tại cửa.

 Khu vực cách ly được chia thành ba đơn nguyên: Người bệnh nghi ngờ; người bệnh đã được chẩn đoán xác định; khu người bệnh trước khi ra viện.

Các đơn vị, BV, bệnh xá quân đội chuyển tuyến người bệnh theo quy định phân tuyến của quân đội, tuyến cuối là BV Trung ương Quân đội 108; BV Quân y 103 tiếp nhận người bệnh từ các đơn vị từ Quân khu 4 trở ra phía Bắc; BV Quân y 175 tiếp nhận người bệnh các đơn vị từ Quân khu 5 trở vào phía Nam.

Trường hợp đơn vị, BV, bệnh xá đóng quân trên địa bàn xa BV quân đội tuyến trên thì căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh có thể chuyển ra cơ sở y tế dân y gần nhất, ưu tiên cứu sống tính mạng người bệnh.

Trong trường hợp không thể chuyển người bệnh lên tuyến trên, báo cáo ngay về Cục Quân y để điều động các tổ, đội cơ động tăng cường cho đơn vị.

Về việc thành lập BV dã chiến, Chủ nhiệm Quân y Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội, Đại tá Nguyễn Viết Thắng cho biết khi cấp độ 1.000 người bị lây nhiễm trong cộng đồng thì sẽ huy động BV dã chiến.

Cụ thể, BV dã chiến được tổ chức từ các khoa khám bệnh, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, khoa nội, khoa dược của các BV khu vực, BV dã chiến, đội điều trị số 2… thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Cập nhật tình hình dịch Corona

Thế giới: 31.532 người mắc, 639 người tử vong, trong đó:

- Lục địa Trung Quốc: 637người tử vong;

- Philippines: 1 người tử vong;

- Hong Kong (Trung Quốc): 1 người tử vong.

- Việt Nam: 12 người mắc nCoV, 3 người đã được xuất viện.

(Nguồn Bộ Y tế, lúc 18 giờ ngày 7-2-2020) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm