Bài viết ngày 3-3 trên trang tin Channel News Asia cho biết các chuyên gia trên thế giới cho rằng nhân loại đã không rút được kinh nghiệm từ đại dịch SARS năm 2003 để phòng ngừa dịch COVID-19 hiện nay tốt hơn.
Theo các chuyên gia này, dù các nhà khoa học và chuyên gia y tế vẫn đang chiến đấu với dịch bệnh, có kế hoạch điều trị và nghiên cứu vaccine nhưng những nỗ lực này không bền bỉ.
Các khoản đầu tư cho việc nghiên cứu và điều trị dần giảm đi khi tình hình dịch bệnh trở nên yên ắng và có những mối quan tâm khác được nhà đầu tư ưu tiên hơn. Đây là ý kiến của trợ lý GS Jason Schwartz, làm việc tại Phòng Quản lý và Chính sách y tế của Yale, nói với hãng tin AFP.
Ông Bruno Canard, chuyên gia virus học tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, cho biết các dự án nghiên cứu sâu hơn về dịch SARS đã được thực hiện sau khi đại dịch này qua đi.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 sau đó đã vắt kiệt nguồn tài trợ của các dự án này.
Ông Johan Neyts, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu chống virus quốc tế (ISAR), cho rằng thế giới đã mất cơ hội cứu chính mình khi không nghiên cứu sâu hơn về dại dịch SARS trong khi nó có sự tương đồng lớn với COVID-19 mà chúng ta đang trải qua.
Nhân viên y tế ở TP Vũ Hán (Trung Quốc) đến bệnh viện với một bệnh nhân vào ngày 25-1. Ảnh: GETTY IMAGES
Ông Canard cho biết chúng ta đã có thể làm tốt hơn trong công tác chống dịch COVID-19 nếu trước đó các nhà khoa học cho ra được phương pháp điều trị virus chủng Corona ở phổ rộng hơn.
Điều này là khả thi vì giới khoa học đã biết về bảy loại virus chủng Corona lây nhiễm từ người sang người.
Nhưng việc nghiên cứu trên cần hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Hơn nữa, các dự án nghiên cứu cần vài năm để có được kết quả. "Nhưng chúng ta mới chỉ đang ở vạch xuất phát", ông Canard cho hay.
Ông cảnh báo con người sẽ lại phải đối mặt với một loại virus nào đó trong tương lai nếu cứ tiếp tục hủy hoại môi trường sống các loài động vật mang virus.
Ông bổ sung biến đổi khí hậu, mất hệ sinh thái và nạn phá rừng sẽ khiến điều đó xảy ra nhanh hơn.