Khi thầy Park dạy lại kỹ thuật cho học trò...

Trên hai mặt sân ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, ông Park một bên, thầy Lee Young-jin một bên, cùng các trợ lý khác tỉ mẩn hướng dẫn từng tình huống cụ thể cho cầu thủ. Những ông thầy phải dạy lại cho học trò cách chọn vị trí, nhận bóng ra sao, cách xử lý không bóng, di chuyển... thế nào để thuận lợi nhất cho mình và đồng đội.

Kiểu cầm tay chỉ việc của ban huấn luyện đội tuyển trẻ quốc gia cho cầu thủ không khác gì các lớp học bóng đá vỡ lòng từ thuở bé. Họ gần như dạy lại từ lý thuyết cho đến thực chiến dù học viên không còn bé bỏng nữa. Tuy nhiên, đấy là một việc làm cần thiết của các đội tuyển quốc gia, không chỉ ở lứa trẻ do khác biệt nhận thức, mà chủ yếu bởi quan điểm chơi bóng của từng ban huấn luyện không giống nhau.

Ông Park đã từng hướng dẫn Hà Đức Chinh, Tiến Linh - hai trung phong luôn chắc suất trên tuyển quốc gia thì việc uốn nắn các cầu thủ trẻ hơn chẳng có gì làm họ xấu hổ. Ngược lại, ai cũng nói phương pháp và sự chỉ dẫn tận tình của các thầy giúp họ học hỏi thêm nhiều thứ mà ở CLB không có hoặc không thể. Đợt hội quân trong thời điểm các giải đấu quốc gia tạm hoãn do dịch bệnh COVID-19 với cầu thủ trẻ là rất bổ ích, vừa giúp họ duy trì cảm giác bóng với nhau, lại vừa hít thở không khí đội tuyển với những bài học quý.

Bên đây sân, thầy Park sửa từng động tác chân cho học trò…

Bên đây sân, thầy Park sửa từng động tác chân cho học trò… Bên kia sân, trợ lý Lee Young-jin dạy cầu thủ thoát truy cản và tiểu xảo. Ảnh: NGỌC DUNG

Lần tập trung này, ông Park cho gọi đông đảo 47 cầu thủ dưới 22 tuổi lên tuyển là nhằm thử việc để chọn thêm người, chứ không phải họ đều phù hợp với triết lý huấn luyện. Có nhiều cầu thủ có khả năng nhưng vì không có suất ra sân buộc thầy Park phải cho tập hợp đại trà để biết đâu tìm ra “ngọc trong đá”. Chính vì thế, khối lượng công việc ở đội tuyển rất đồ sộ, bởi các thành viên ban huấn luyện phải mất công đào tạo lại họ từng chi tiết nhỏ.

Nguyên do gần nửa lực lượng trên tuyển lần này đến từ hạng Nhất và hạng Nhì, ở sân chơi có tính cạnh tranh không quá cao trong khi năng lực cá nhân có hạn. Phần còn lại xuất thân ở V-League gần như chỉ lên đội một học hỏi và chuyên ngồi ghế dự bị hoặc cầu thủ ra sân còn hiếm hoi đếm trên đầu ngón tay. Sự va chạm và từng trải của lứa cầu thủ này không dồi dào, hầu hết đều thiếu rất nhiều kinh nghiệm.

Vấn đề lớn hơn của các tuyến trẻ bóng đá Việt Nam là thiếu tính đồng độ trong huấn luyện từ địa phương. Mỗi nơi, mỗi học viện, mỗi trung tâm bóng đá luôn có những cách thức chọn lựa cầu thủ, kiểu đào tạo khác nhau, cho ra sản phẩm khác nhau. Nó khiến cho cầu thủ mỗi lần lên tuyển quốc gia đều cần phải học lại để tạo ra sự tương đồng cả trong cách nghĩ và cách chơi.

Với đội tuyển quốc gia, không chỉ HLV Park Hang-seo mà các đời tiền nhiệm thường có những bước xóa đi vài tư duy cũ rồi làm mới lại cho họ trong một khoảng thời gian ngắn. Còn ở các đội trẻ, công việc này tốn kém thời gian và sức lực nhiều hơn.

Vạn sự khởi đầu nan với thầy Park và các cộng sự nhưng để chiến trường bớt đổ máu thì thao trường phải đổ thật nhiều mồ hôi.

Ông Park muốn ngồi lại với CLB

HLV Park Hang-seo cùng các trợ lý đang làm thay nhiều phần việc cho những lò đào tạo và CLB tạo sự phù hợp cho cầu thủ trẻ trong tương lai khoác áo các đội tuyển quốc gia. Ông thầy người Hàn Quốc từng chia sẻ mong muốn có những cuộc nói chuyện, trao đổi với đại diện CLB chuyên nghiệp về nhiều việc cần làm ngay ở làng bóng Việt Nam. Chẳng hạn, ông Park muốn chia sẻ việc thúc đẩy CLB cần tạo nhiều cơ hội chơi bóng hơn nữa cho cầu thủ trẻ. Ông chỉ ra sự khan hiếm nhân tố mới chủ yếu do cầu thủ thiếu sân chơi, hay vì sự nổi bật của ngoại binh, đặc biệt ở hàng tiền đạo và trung vệ khiến cho tài năng trẻ không có đất diễn. Tuy nhiên, ước muốn của HLV Park Hang-seo chưa thể thực hiện vì không có thời gian hoặc không chắc các CLB và lò đào tạo cảm thấy có chung suy nghĩ do đặc thù công việc giữa các bên khác nhau. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm