4 trụ cột để TP.HCM phục hồi trong giai đoạn mới

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trương Minh Huy Vũ (ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP) cho rằng: Quá trình phục hồi, tái thiết và phát triển của TP sẽ cần đến bốn trụ cột quan trọng cần được triển khai đồng bộ.

. Phóng viên:Giới chuyên gia cho rằng Chính phủ và chính quyền TP cần thúc đẩy các gói hỗ trợ, gói đầu tư để cải thiện và nâng cao đời sống người dân, doanh nghiệp theo mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Nhưng quan trọng là dựa vào cơ sở nào để Nhà nước tính toán đúng mức quy mô, giá trị của các gói đầu tư, hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của TP sau đại dịch?

+ TS Trương Minh Huy Vũ: Các gói hỗ trợ và đầu tư từ trung ương và TP sẽ là một trụ cột rất quan trọng để phục hồi và tái thiết sức khỏe của TP.HCM trong thời gian tới.

TP và các địa bàn trọng điểm như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã thiệt hại nặng nề trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư. Quan trọng nhất, TP là địa bàn trọng điểm với nhiều tiềm năng và lợi thế, tạo động lực rất lớn để phát triển nền kinh tế quốc gia. Do vậy, đã có nhiều ý kiến trên các diễn đàn khác nhau kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành lưu ý yếu tố này để các chính sách hỗ trợ của Chính phủ ban hành không chỉ xác định ưu tiên trên cơ sở các ngành, lĩnh vực và quy mô, mà còn ưu tiên cho các địa bàn trọng điểm. Việc đầu tư nhiều hơn cho địa bàn TP và các tỉnh trọng điểm phía Nam có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế quốc gia theo các mục tiêu đã đề ra.

. Thưa ông, các gói đầu tư, hỗ trợ cần tập trung vào vấn đề gì trong bối cảnh TP đang phải đối mặt trước nhu cầu tái thiết rất cao của rất nhiều lĩnh vực mà nguồn lực công thì hữu hạn?

+ Hạ tầng giao thông là khâu then chốt, cả trước khi đại dịch diễn ra. Đợt dịch lần thứ tư tại các tỉnh phía Nam làm rõ hơn quan điểm này vì đảm bảo kết nối giao thông khi dịch bệnh bùng phát là cực kỳ quan trọng.  

Quá trình phát triển cơ sở hạ tầng giao thông khu vực phía Nam trong thời gian vừa qua cho thấy huy động nguồn lực đang là điểm thắt. Hiện nay, TP.HCM đang đề xuất trung ương nhiều phương thức khác nhau để gỡ điểm thắt này, từ việc tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách TP được phép giữ lại trong giai đoạn 2022-2025 đến việc cho phép TP được tăng mức trần nợ công của TP thông qua cơ chế phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình. Đây là những nguồn lực ban đầu để hiện thực hóa dự án giao thông trọng điểm nhưng chưa có điều kiện bố trí vốn trước đây như đường vành đai 3 của TP.HCM, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cầu Cát Lái.

. Liên quan đến kết nối giữa các địa phương, trong đại dịch, giới quan sát nói rất nhiều đến vấn đề liên kết vùng bởi đại dịch vốn không chia ranh giới, địa phận hành chính. Yêu cầu này sẽ như thế nào trong bối cảnh bình thường mới?

+ Tái cấu trúc lại các ngành kinh tế của TP.HCM cần đặt trong bối cảnh toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các ngành nghề thâm dụng lao động không những không tạo ra giá trị cao trong bối cảnh mới, mà còn tạo ra sức ép xã hội và hạ tầng đô thị vô cùng lớn. Đại dịch vừa qua cho thấy TP có những khu công nghiệp, khu chế xuất thâm dụng lao động cao nằm giữa đô thị trong khi hạ tầng giao thông, ăn ở, sinh hoạt cho rất đông công nhân còn hạn chế. Điều đó gây khó khăn cho quản lý rủi ro lây nhiễm. Vậy chúng ta cần tạo ra những không gian an toàn, như nhà máy an toàn, cung đường an toàn, nhân lực an toàn, nhà ở (cho công nhân) an toàn… phù hợp với đặc thù quy hoạch các khu công nghiệp. 

TP cũng cần tăng cường các ngành công nghiệp định hướng sáng tạo, dịch vụ giá trị cao; chuyển dần các ngành công nghiệp thâm dụng lao động về các vùng xung quanh, nơi có hạ tầng tương thích hơn cho đời sống của công nhân, người lao động. Như vậy, vừa nâng cao giá trị nền kinh tế TP vừa phân bố lại mật độ lao động theo hướng giãn cách phù hợp với tình hình mới. Việc này cần một phối hợp liên vùng trong việc sắp xếp lại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng như định hướng lại các khâu khác nhau trong chuỗi giá trị sản xuất cùng khu vực các tỉnh, thành phía Nam. 

Các chuyên gia cho rằng Chính phủ và chính quyền TP cần thúc đẩy các gói hỗ trợ, gói đầu tư để cải thiện và nâng cao đời sống người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân làm việc trở lại tại một công ty thủy hải sản ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Ngoài hai trụ cột về hạ tầng và liên kết vùng thì định hướng phát triển toàn diện của TP về lâu dài cần đến trụ cột nào nữa, thưa ông?

+ Kinh tế số và xây dựng trung tâm tài chính khu vực - quốc tế tại TP.HCM là động lực phát triển mới nhưng sẽ đóng vai trò quan trọng nhất cho TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hai định hướng này đã được khẳng định nhiều lần tại các văn kiện chính trị và các chương trình phát triển của cả trung ương lẫn chính quyền TP. Điểm quan trọng nhất là xác định một lộ trình có thứ tự ưu tiên và tổ chức việc triển khai một cách hiệu quả theo từng giai đoạn.

Hạ tầng viễn thông, mạng Internet tốc độ cao, hạ tầng an ninh mạng theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu cần tiếp tục được ưu tiên đầu tư. Dữ liệu đang là một điểm yếu của TP.HCM (và cả vùng). Yêu cầu này phải được xem là trọng tâm để phát triển những chương trình liên thông, tích hợp dữ liệu cho những bài toán phát triển của kinh tế TP. Thói quen tiêu dùng mới về “một nền kinh tế không tiếp xúc” đang được xúc tiến mạnh mẽ bởi đại dịch. Các doanh nghiệp đang chuyển động mạnh mẽ theo hướng đó, đòi hỏi sự chuyển động tương thích trước hết về hướng tuyến và tốc độ từ phía chính quyền các cấp. 

Trước mắt, TP.HCM cần tiếp tục đẩy nhanh cải cách hành chính thông qua các đầu việc định lượng cụ thể, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền số tập trung vào những nhu cầu quản trị và lợi ích của người dân trong giai đoạn thích ứng an toàn và thúc đẩy toàn diện việc thực hiện quản trị đô thị không giấy tờ. Đây là một cơ hội quan trọng mà chúng ta cần phải tiếp cận và tận dụng.

. Chúng ta có đủ ba trụ cột để định hướng tái thiết, phát triển. Vậy vấn đề về con người, tức là khâu tổ chức, quản trị, điều hành sẽ đóng vai trò ra sao?

+ Quản trị công chính là trụ cột thứ tư để TP hồi sinh, phát triển theo ba định hướng tôi vừa nêu trên. Tại TP.HCM, đại dịch đã giúp “thấy rõ ưu - khuyết của tổ chức, cá nhân trong bộ máy” như phát biểu của người đứng đầu Đảng bộ TP.

Trong trao đổi này, tôi muốn lưu ý một khía cạnh khác. Đó là bốn tháng vừa qua cũng chỉ ra cho chúng ta những mô hình, phương thức vận hành xã hội với sự tham gia của nhiều đối tác khác nhau từ khối công đến khối tư, đến hội đoàn xã hội; từ trong nước lẫn ngoài nước; từ các diễn đàn chính thức lẫn các diễn đàn tự phát xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, của mỗi nhóm dân cư. 

Nói một cách ví von, TP.HCM sau dịch đang thừa hưởng một hệ thống quản trị đô thị đa dạng, nhiều tầng nấc với sự tham gia rộng khắp của (hầu như) mọi tầng lớp trong xã hội. Sự thích ứng sáng tạo này là cơ hội để chuyển nguy thành cơ, kiến tạo một phương thức quản trị công mới, hiệu quả và quy tụ hơn cho chính quyền TP. 

Trong thời gian tới có hai việc cần làm ngay. Thứ nhất là củng cố các mô hình quản trị chính thức, hình thành từ tâm dịch, đã chứng minh một phần tính hiệu quả. Các mô hình này cần được xem xét cả điểm mạnh và yếu, cũng như phân tích được tính thời điểm trong quá trình hình thành. Thứ hai là với các mô hình không chính thức, mà chủ yếu khác biệt do không có sự tham gia của Nhà nước. Những kênh chia sẻ, hợp tác sẽ hiệu quả hơn với sự giúp sức, đồng hành theo từng nhu cầu cụ thể, có tính đặc thù.

. Xin cám ơn ông.

Một số điểm sáng của kinh tế TP.HCM sau một năm khó khăn

Theo báo cáo của TP, trong quý I-2021, tình hình kinh tế - xã hội của TP phát triển khá ổn định khi chúng ta kiểm soát dịch tốt vào giai đoạn trước đó và chưa có biến chủng Delta. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,58%. Đến hết giai đoạn sáu tháng đầu năm, tình hình vẫn còn khá khả quan nhưng kết thúc năm 2021, kinh tế - xã hội đã suy giảm nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19. Lần đầu tiên trong lịch sử của TP, chúng ta tăng trưởng âm 5,06%, trong khi kế hoạch năm đề ra là tăng trưởng dương 6%. 

Theo dự toán, năm nay có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu và còn hai chỉ tiêu đến cuối năm mới đủ cơ sở tính toán. Bên cạnh khó khăn vẫn có một số điểm sáng, đó là: Kim ngạch xuất khẩu (không tính dầu thô) tăng 2,8%; kim ngạch nhập khẩu tăng 24,9% so với cùng kỳ; nhất là tổng thu ngân sách nhà nước đạt 362.040 tỉ đồng, bằng 99,22% dự toán năm và khả năng đến cuối năm có thể phấn đấu đạt 100%. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm