Bộ TN&MT vừa có báo cáo gửi Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành để giải trình về lý do dời sửa Luật Đất đai.
Bộ TN&MT cho biết thời gian qua bộ đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành địa phương thực hiện đầy đủ các bước để xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Trong đó đã thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, tổng hợp ý kiến, góp ý của các địa phương, kiến nghị của cử tri, người dân, doanh nghiệp...
Bộc lộ nhiều bất cập
Bộ TN&MT cho hay dù Luật Đất đai 2013 đã có những tác dụng tích cực trong những năm qua nhưng đến nay đã bộc lộ những bất cập nhất định. Cụ thể, việc tổ chức thi hành pháp luật chưa tốt, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai. Đặc biệt, vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong việc chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cạnh đó, việc áp dụng các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp. Quản lý, sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước, đất cho các dự án du lịch có yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh… chưa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho một số dự án triển khai còn chậm, có nơi chưa hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất. Việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ, còn bị lợi dụng.
“Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, một số đạo luật mới được ban hành như Luật Quản lý tài sản công, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư công, Luật Lâm nghiệp… đã có các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đất đai, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tổ chức thi hành luật” - báo cáo nêu.
Luật Đất đai 2013 đã có những tác dụng tích cực trong những năm qua nhưng đến nay đã bộc lộ những bất cập nhất định. Ảnh: HOÀNG GIANG
Sẽ lấy ý kiến toàn dân
Bộ TN&MT cho hay qua tổ chức các hội thảo, lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và thực tiễn thi hành Luật Đất đai thời gian qua cho thấy những nội dung đặt ra trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai sẽ không giải quyết được căn cơ vấn đề bất cập, hạn chế hiện nay. Bộ TN&MT nêu các bất cập này bao gồm sáu vấn đề. Cụ thể:
- Các chính sách mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và vấn đề an ninh lương thực.
- Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng và việc giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư...
- Chính sách thuế, đặc biệt là đối với đất nông nghiệp giao không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và đất đã giao, cho thuê đối với doanh nghiệp nhưng lại bỏ hoang…
- Việc xây dựng khung giá đất theo giá thửa đất chuẩn của vùng giá trị.
- Việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài nhằm bảo đảm được an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, vừa không tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh có yếu tố nước ngoài…
- Chế độ giao đất có thu tiền sử dụng đất theo hạn mức để xây dựng cơ sở thờ tự, cho thuê đất đối với trường hợp tổ chức tôn giáo sử dụng đất vào mục đích như xây dựng trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa được phép hoạt động.
“Những nội dung nêu trên đều là vấn đề lớn mang tính cốt lõi trong quản lý và sử dụng đất đai, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và tác động trực tiếp đến các tầng lớp trong xã hội, tác động đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cần có sự nghiên cứu, sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện” - văn bản của Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Về thời điểm sửa luật, Bộ TN&MT cho hay hiện nay Ban chấp hành Trung ương đang chuẩn bị tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31-12-2012 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về chính sách đất đai, để làm cơ sở xây dựng chính sách đất đai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới sẽ thông qua nghị quyết đại hội, trong đó có định hướng lớn về tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai. “Đây là những định hướng quan trọng trong việc sửa đổi Luật Đất đai” - Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Bộ TN&MT cũng cho hay việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai có tác động rất lớn đến các quan hệ, đối tượng trong xã hội, tác động đến phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, do đó cần thiết phải lấy ý kiến toàn dân, nên cần phải có thời gian chuẩn bị.
Bộ TN&MT cũng đã trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; nghị định khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp; nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai... “Khi Chính phủ ban hành các nghị định này, sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc tiếp cận đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận và tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Như vậy, về cơ bản những vấn đề vướng mắc, tồn tại cũng đã được Chính phủ tập trung giải quyết theo thẩm quyền” - Bộ TN&MT khẳng định.
Phải bảo đảm an ninh quốc phòng Việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài nhằm bảo đảm được an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, vừa không tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh có yếu tố nước ngoài. Báo cáo Bộ TN&MT đề cập |