Trần ai mua đất trồng lúa: Ba văn bản, hai cách hiểu

Trên số báo trước, chúng tôi có nêu đơn cử hai trường hợp ở TP.HCM gặp khó trong việc xin xác nhận để làm thủ tục nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Trong đó có trường hợp oan nghiệt của bà Trương Thị Minh khi nhiều lần chạy tới chạy lui và từng được Pháp Luật TP.HCM lên tiếng đề nghị giải quyết nhưng hơn sáu tháng qua vẫn không thể hoàn tất thủ tục mua đất.

Gật, lắc tùy lúc

Vì sao lúc đầu nói không có cơ sở nhưng sau khi bị khiếu nại thì đã chịu xác nhận cho ông N.?

Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Nguyễn Hải Phong, Chủ tịch UBND phường 8, quận 10, đáp: “Vì mới tiếp nhận nhiệm vụ gần đây nên tôi không nắm rõ lý do từ chối giải quyết trước đây của phường”.

Theo ông Phong, phường sẽ dựa theo nội dung xác nhận của nơi có đất để xác nhận. Nếu nơi có đất xác nhận người dân đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp thì phường sẽ xác nhận về việc có nguồn thu nhập. Bởi lẽ khi người dân có sản xuất trên đất thì chắc chắn có nguồn thu nhập. Trường hợp cảm thấy chưa đủ cơ sở thì cán bộ phường sẽ xác minh thêm.

Ngược lại, bà Nguyễn Thị Viễn, Chủ tịch UBND phường 13, quận 6, quả quyết không thể xác nhận và cũng không thể xác minh gì thêm. Bà nêu lý lẽ: “Tuy Nghị định 01/2017 có quy định UBND nơi thường trú chịu trách nhiệm xác nhận về việc có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng chưa có hướng dẫn căn cứ xác nhận”.

Bà Viễn nói: “Phường nơi thường trú chỉ quản lý nhân khẩu chớ làm sao biết người dân có thu nhập ổn định từ đất tại nơi xa ra sao. Do vậy, phường chỉ xác nhận dựa theo nội dung xác nhận của nơi có đất. Tức nơi có đất xác nhận nội dung như thế nào thì nơi thường trú sẽ xác nhận như thế ấy”.

“Khi nhận được xác nhận của nơi có đất rằng A có trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại thửa đất nào đó và có nguồn thu nhập ổn định từ đất nông nghiệp, phường sẽ xác nhận chữ ký của A kèm theo nội dung A có nguồn thu nhập ổn định trên đất theo xác nhận của xã nơi có đất. Nếu địa phương nơi có đất chỉ xác nhận một nội dung là đang sản xuất nông nghiệp thì phường 13 chưa thể xác nhận gì thêm” - bà Viễn nói.

Cũng theo bà Viễn, khi nào có hướng dẫn của Sở TN&MT TP về việc này, UBND phường 13, quận 6 sẽ thực hiện theo.

Ông Mai Văn Toản (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM) ngậm ngùi  vì không được văn phòng công chứng chứng nhận hợp đồng nhận 
chuyển nhượng đất trồng lúa do chưa đứng tên sử dụng mảnh đất  nông nghiệp nào. Ông muốn mua một diện tích đất trồng lúa ở huyện Hóc Môn. Dù ông xin được xác nhận của UBND phường nơi thường trú theo  Thông tư 33/2017 nhưng hồ sơ nhận chuyển nhượng đất trồng lúa của ông  vẫn không được giải quyết. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Nhiều nơi chỉ xác nhận cho xong!

Với các quy định đã nêu của Luật Đất đai, Nghị định 01/2016 và Thông tư 33/2017 của Bộ TN&MT, rất nhiều cơ quan ở các địa phương cho là người muốn mua đất trồng lúa bắt buộc phải là người đang có đất nông nghiệp. Cùng với đó, họ phải được UBND cấp xã xác nhận đang sản xuất đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ đất nông nghiệp.

Về trách nhiệm và cách thức xác nhận, nhiều nơi cho là UBND cấp xã nơi thường trú sẽ xác nhận cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp. Trường hợp đất ở một nơi, người ở một nơi thì nơi có đất xác nhận về việc trực tiếp sản xuất, nơi thường trú xác nhận về việc có nguồn thu nhập.

Long An cũng gặp khó

Địa phương tôi cũng có khó khăn khi giải quyết đơn xác nhận. Bởi lẽ nếu xác nhận cho có thì không đúng với thực tế, nếu từ chối xác nhận thì tội cho người dân. Hiện tại chúng tôi giải quyết theo cách nếu biết rõ nguồn gốc đất và biết rõ người mua đất thì xác nhận, còn không thì sẽ hướng dẫn người mua làm hợp đồng thuê đất.

Một chủ tịch xã ở huyện Thủ Thừa, Long An 

Với cách hiểu trên, một đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Quy định UBND phường phải xác nhận về nguồn thu nhập ổn định thì các phường phải thực hiện, chứ chưa chắc đã đúng sự thật. Nhiều người dân ở đô thị ít có nguồn thu nhập ổn định từ việc làm nông mà chủ yếu là từ nguồn thương mại dịch vụ. Có lẽ Nghị định 01/2017 đưa ra quy định trên nhằm tránh tình trạng một người không sử dụng đất nông nghiệp muốn mua đất trồng lúa để đầu tư làm hao hụt quỹ đất. Thế nhưng thực tế giải quyết cho thấy các xác nhận như thế rất hình thức, không thực chất”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bá, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Bình Chánh, TP.HCM, nêu ý kiến: “Việc yêu cầu nơi thường trú xác nhận nguồn thu nhập là rất khó bởi làm sao nơi thường trú biết được nguồn thu nhập của người dân từ đất nông nghiệp như thế nào. Nếu không xác nhận thì sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân (cả người mua lẫn người bán), đồng thời gây khó khăn cho địa phương khi giải quyết hồ sơ. Thế là vì quyền lợi của người dân mà các địa phương đã xác nhận. Trong nhiều cuộc họp với Sở TN&MT và VPĐKĐĐ TP, chúng tôi đã kiến nghị các cơ quan chức năng cần gỡ vướng vấn đề này”.

Áp dụng Thông tư 33/2017: Nơi hướng dẫn rõ ràng, nơi không

Trong văn bản trả lời Pháp Luật TP.HCM vào tháng 7-2019, VPĐKĐĐ TP.HCM có cung cấp một số thông tin liên quan.

Theo đó, trước khi Thông tư 33/2017 được ban hành, Sở TN&MT TP có nhận được văn bản thắc mắc của địa phương về căn cứ xác nhận nguồn thu nhập ổn định từ đất nông nghiệp. Sở đã gửi những thắc mắc đến Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT để có ý kiến hướng dẫn. Sau đó, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 33/2017 nêu rõ các căn cứ để xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp (khoản 2, 3 Điều 3).

Trần ai mua đất trồng lúa: Ba văn bản, hai cách hiểu ảnh 2
Việc hướng dẫn điều kiện mua đất trồng lúa hiện nay nơi làm thế này, nơi như thế kia gây khó cho người dân. Ảnh: T.VŨ 

Chúng tôi có nêu ra một số câu hỏi: Để được mua đất trồng lúa, cá nhân có phải chỉ cần một điều kiện duy nhất là không thuộc bốn đối tượng sau đây: Hưởng lương thường xuyên; đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội đúng theo quy định của điểm b, d khoản 2 Điều 3 Thông tư 33/2017 hay không? Và như vậy cá nhân chỉ cần được UBND cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận, không phân biệt cá nhân đó đang có đất nông nghiệp ở cùng nơi thường trú hay ở nơi khác có đúng vậy không?...

Trong văn bản gửi đến chúng tôi, VPĐKĐĐ TP không giải đáp cụ thể các câu hỏi trên. Văn phòng này chỉ nhấn mạnh: “Đối với trường hợp đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân, các chi nhánh VPĐKĐĐ tại các quận, huyện có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác nhận đến UBND xã nơi đăng ký hộ khẩu của hộ gia đình, cá nhân”.

Cũng theo văn bản của VPĐKĐĐ TP, kể từ khi có Thông tư 33/2017 thì có rất nhiều hồ sơ đã được giải quyết. Sở và văn phòng chưa nhận được văn bản phản hồi hay có ý kiến thắc mắc của các quận, huyện liên quan đến nội dung xác nhận nêu trên.

Trong khi đó từ cuối tháng 5-2018, Sở TN&MT tỉnh An Giang đã có văn bản hướng dẫn cụ thể việc xác nhận đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp khá rõ ràng. Theo đó, người muốn mua đất trồng lúa không bắt buộc phải đang sử dụng đất nông nghiệp. Người đó chỉ cần được xác nhận mình không thuộc các đối tượng theo quy định của Thông tư 33/2017 là xong.

Ông Nguyễn Trọng Thành, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang, cho biết:“An Giang làm đúng theo Thông tư 33/2017 của Bộ TN&MT. Theo đó, căn cứ để xác nhận cá nhân là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp để làm thủ tục nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa là “không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội” (điểm b, d khoản 2 Điều 3). Đối với hộ gia đình (hoặc vợ chồng) thì chỉ cần có ít nhất một thành viên trong gia đình (hoặc vợ chồng) không thuộc các đối tượng trên (điểm b, d khoản 3 Điều 3). Cơ quan có trách nhiệm xác nhận là UBND cấp xã nơi người nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa đăng ký thường trú”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm