Thu hồi đất với dự án có 20% hộ dân không đồng ý: Có nên không?

(PLO)- Quy định Nhà nước thu hồi đất đối với dự án có trên 80% hộ dân có đất đồng ý thu hồi tại dự thảo nhận được nhiều quan điểm góp ý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-9, tại TP.HCM, Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” với sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội, các luật sư, chuyên gia, doanh nghiệp…

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm đó là quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vì lợi ích quốc gia, công cộng tại khoản 5 Điều 70 dự thảo. Theo đó, ngoài những dự án được liệt kê cụ thể, Nhà nước sẽ thu hồi đất đối với “các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý”.

Liên đoàn LS tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: HỮU ĐĂNG
Liên đoàn LS tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: HỮU ĐĂNG

Đánh giá về quy định trên tại dự thảo, LS Nguyễn Hoàng Nhật Thi (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng, về mặt chủ trương, việc cho phép thu hồi đất khi đa số người dân có đất tại dự án đồng ý mang lại ưu điểm như tháo gỡ, khai thông nguồn lực đất đai cho một số dự án không được liệt kê thuộc diện thu hồi, nhưng chủ đầu tư dự án đã thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) một phần lớn diện tích đất thông qua cơ chế thoả thuận, còn một phần diện tích đất không thể thực hiện GPMB khi người có đất, tài sản trên đất không đồng ý chuyển nhượng.

“Thực trạng này hiện nay xảy ra khiến nhiều dự án “án binh bất động” do không thể GPMB vì thiếu cơ chế giải quyết” – LS Thi nói.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, không tạo ra vướng mắc trên thực tế, LS Thi cho rằng cần phải có sự tính toán kỹ về cơ chế thực hiện các thủ tục pháp lý. Ngoài ra, trong trường hợp Nhà nước đứng ra thu hồi đất đối với nhóm người sử dụng đất mà nhà đầu tư không thể thoả thuận được thì cơ chế bồi thường, tái định cư cần phải được quy định rõ ràng, có thể phải tham chiếu tới mức bồi thường, giá chuyển nhượng bình quân mà nhà đầu tư đã thống nhất trước đó với nhóm người SDĐ trong cùng dự án.

Cũng liên quan đến nội dung trên, LS Lê Hồng Nguyên – Trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn LS Việt Nam tại TP.HCM cho rằng, đây là cơ chế giúp giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn. Khi đã đạt được tỷ lệ người dân đồng ý thỏa thuận lên tới 80% thì nhà nước cần can thiệp để dự án đi vào hoạt động và phát triển.

Chủ tịch Quốc hội: Không đúng tinh thần Hiến pháp

Sáng cùng ngày, tại phiên họp chuyên đề pháp luật của UBTVQH, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị rà soát, quy định chặt chẽ hơn khoản 5 Điều 70 về trường hợp nhà nước thu hồi đất với “các dự án khác được trên 80% người dân có đất thu hồi đồng ý”. Theo đó, các dự án này vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí thuộc diện nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Mặt khác, bà Nga cũng đề nghị làm rõ tỷ lệ “80% người dân đồng ý” phải kèm theo điều kiện về tỷ lệ diện tích đất được thu hồi, tránh việc có 80% dân đồng ý nhưng họ chỉ sử dụng 10-20% diện tích đất bị thu hồi. “80% này phải gắn với số diện tích đất bị thu hồi”- bà Nga nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lại đánh giá quy định trên “rất mù mờ, chung chung”. “Một dự án đang áp dụng cơ chế tự thỏa thuận, tức là quan hệ dân sự, bây giờ 80% thỏa thuận xong, còn 20% chưa đồng ý thì áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất là không được. Đã dân sự là dân sự, hành chính là hành chính. Không thể dân sự lại áp dụng hành chính để thu hồi được”- ông Huệ nói và nhấn mạnh quy định này không đúng tinh thần Hiến pháp và Trung ương không có chủ trương như vậy.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm