Chiều 23-9, tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của các bộ, ngành trung ương đã có buổi làm việc với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn vào mùa khô 2020-2021.
Cần chủ động ứng phó với hạn mặn
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2020, hạn mặn ở khu vực ĐBSCL nặng nề hơn so với năm 2019. Do đó, cần có những biện pháp phù hợp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở khu vực này.
Theo Thủ tướng, nhìn lại năm 2016, hạn mặn ở ĐBSCL diễn ra nặng nề, nhiều cánh đồng khô cháy, đời sống nhân dân khó khăn, thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. năm 2019, ĐBSCL gặp lại hạn mặn nặng nề hơn nhưng nhờ sự chủ động chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhận thức của người dân nên thiệt hại có giảm hơn so với năm 2016.
Thủ tướng dẫn chứng, mùa khô năm 2019-2020, ĐBSCL bị hạn mặn gay gắt nhưng vẫn được mùa, được giá về lúa, tôm và hạn chế thiệt hại vùng cây ăn trái. Ngoài ra, vừa qua ĐBSCL sản xuất lúa trên 4,6 triệu tấn, giá trị gần 2,5 triệu USD, tăng 10,5% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đời sống nhân dân ĐBSCL từng bước được cải thiện. Thủ tướng cho rằng đây là kết quả có ý nghĩa rất lớn, cần phát huy trong những mùa vụ tới, trước hết là vụ đông xuân 2020-2021.
Hạn mặn dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp trong mùa khô năm 2020-2021. Thủ tướng yêu cầu các địa phương ĐBSCL cần chủ động ứng phó với nhiều giải pháp như tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các ngành, các cấp cần chủ động đắp các đập tạm tích trữ nước phục vụ người dân trong mùa hạn mặn.
Thủ tướng cũng mong muốn ĐBSCL hãy xem câu chuyện hạn hán, xâm nhập mặn là không thể tránh, đó là câu chuyện bình thường trong đời sống người dân. Đó là nguy cơ nhưng đồng thời cũng là thời cơ nếu chúng ta biết ứng phó, biết thích nghi, vận dụng tốt để giảm thiểu những thiệt hại.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương ĐBSCL không để hộ dân nào thiếu nước ngọt sinh hoạt trong mùa hạn mặn. Các địa phương phải có kế hoạch, nhiều biện pháp đảm bảo nguồn nước không chỉ cho người dân sinh hoạt mà còn phục vụ tưới cho cây trồng. Đợt hạn mặn vừa qua, Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Tiền Giang có giải pháp chở nước ngọt cứu vườn cây bị thiệt hại.
Về giải pháp ứng phó hạn mặn, Thủ tướng nêu trước hết làm tốt tuyên truyền đến từng hộ gia đình về nguy cơ hạn mặn để ứng phó, để người dân hiểu chuyển đổi cây trồng phù hợp, hướng dẫn các địa phương trữ nước theo từng gia đình, từng khu vườn, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, gia đình khó khăn.
Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ NN&PTNT đã cùng với các địa phương hoàn thành các công trình thủy lợi quy mô ở ĐBSCL, kiểm soát được độ mặn một số vùng. Thủ tướng cho biết sẽ giao các bộ, ngành nghiên cứu những công trình thủy lợi để hỗ trợ ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát mô hình trồng sầu riêng của một hộ dân ở Tiền Giang. Ảnh: Đông Hà
Dự báo mặn sẽ đến sớm
Chỉ trong vòng năm năm gần đây, ĐBSCL đã xảy ra hai đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015-2020, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Hiện nay, do ảnh hưởng của thiếu hụt lượng mưa trên lưu vực sông Mekong, nguồn nước về ĐBSCL đang bị thiếu hụt, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở mức cao đến nghiêm trọng trong mùa khô 2020-2021.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 khác với quy luật nhiều năm, xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần ba tháng, sớm hơn so với mùa khô năm 2015-2016 gần một tháng. Thời gian xâm nhập mặn kéo dài hơn 2-2,5 lần so với mùa khô 2015-2016, độ mặn ở vùng các cửa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, cao liên tục từ tháng 2 đến tháng 5. Đặc biệt, độ mặn hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều cường thấp, khác với đặc điểm thông thường là tăng theo kỳ triều cường cao, giảm theo kỳ triều thấp.
Đáng lo ngại, ảnh hưởng của xâm nhập mặn 2019-2020 đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ĐBSCL, phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn với ranh 4g/lít là 1.688.600 ha, chiếm 42,5% diện tích tự nhiên toàn vùng, so với năm 2016 là cao hơn 50.376 ha.
Thiệt hại hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, kéo dài từ cuối năm 2019 tại ĐBSCL vượt lịch sử năm 2016 cả về thời gian và mức độ xâm nhập mặn, 6/13 tỉnh ĐBSCL đã công bố tình huống khẩn cấp do hạn mặn. Hạn mặn đã làm 58.400 ha lúa và 25.120 ha cây ăn trái bị thiệt hại, 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt và gây sụt lún nghiêm trọng nhiều tuyến đê, đường giao thông. Tổng thiệt hại ước tính trên 3.000 tỉ đồng.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nguyên nhân xâm nhập mặn tăng cao là do nguồn nước thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, thủy triều ở mức cao.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhận định những tháng mùa khô năm 2020-2021, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ở mức thiếu hụt 20%-35% so với trung bình nhiều năm. Dự báo tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và gay gắt.
Thủ tướng khảo sát vùng chuyên canh sầu riêng của Tiền Giang Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng đoàn công tác Bộ NN&PTNT khảo sát vườn sầu riêng sau hạn mặn của nông dân Mai Văn Âu ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Ông Mai Văn Âu cho biết lúc chưa hạn mặn, vườn sầu riêng hơn 4.000 m2 của gia đình ông đem về cho gia đình 11 tấn trái, thu gần 600 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư 120 triệu đồng, gia đình ông còn lãi hơn 450 triệu đồng. Ông Âu bày tỏ lo lắng từ khi xảy ra hạn mặn của mùa khô năm 2019-2020, kéo dài gần bốn tháng, nhiều vườn sầu riêng ở Cai Lậy đang cho trái hoặc nông dân vừa thu hoạch trái xong, cây sầu riêng có sức đề kháng yếu, suy cây, làm sầu riêng chết rất nhiều. Số còn lại sầu riêng bị suy kiệt, thiệt hại rất nặng nề. Tại đây, Thủ tướng đánh giá cao mô hình sản xuất sầu riêng của nông dân ở huyện Cai Lậy, nơi hiện có tới hơn 10.000 ha trồng sầu riêng có hiệu quả cao. Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xâm nhập mặn. |