Cơ quan Tình báo Đối ngoại Estonia ngày 8-2 cho rằng Nga vẫn sở hữu một sức mạnh có thể gây “áp lực quân sự” đối với khu vực Baltic, nơi các mối đe dọa an ninh trung và dài hạn đang dần gia tăng, theo hãng Reuters.
Tình báo Estonia nói mối đe dọa Nga gia tăng tại các nước Baltic. Ảnh: Pablo Andrés Rivero/FLICKR |
Trong báo cáo thường niên, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Estonia đánh giá “một cuộc tấn công khó có thể xảy ra vào năm 2023” do cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra, tuy nhiên "về trung và dài hạn, sự thù địch và tham vọng trong chính sách đối ngoại của Nga đã làm tăng lên đáng kể rủi ro an ninh cho Estonia”.
Theo cơ quan này, Moscow xem các nước vùng Baltic là phần yếu nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và do đó, khu vực có thể trở thành tâm điểm của áp lực quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột NATO-Nga.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng dự đoán rằng trong bốn năm tới, Nga có thể sẽ tái lập sự hiện diện của nước này ở gần biên giới với các quốc gia vùng Baltic. Ngoài ra, kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở biên giới phía tây của Nga sớm hơn hai năm so với dự kiến có thể làm căng thẳng thêm tình hình an ninh ở khu vực Baltic trong năm nay.
Cơ quan Tình báo Đối ngoại Estonia nhận định động thái hướng tới cuộc tập trận quy mô (có thể diễn ra trong năm nay) của Moscow vào thời điểm xung đột Nga-Ukraine “được xem là sự răn đe và mối đe dọa đối với phương Tây, đồng thời là một sự kích động lòng yêu nước trong người dân Nga”.
Về cuộc xung đột Nga-Ukraine, báo cáo nói rằng Moscow vẫn quyết tâm tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đến hết năm 2023 nhằm cố gắng khiến Kiev và những nước phương Tây "khuất phục”, song “không có khả năng” Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong cuộc xung đột.
Ba quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania đều là những thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và NATO đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và xung đột Nga-Ukraine bùng nổ năm 2022.