TP.HCM đưa ra giải pháp xử lý rác sau khi thu gom

(PLO)- TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 80% khối lượng rác thải sinh hoạt sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thống kê, tỉ lệ các công nghệ đốt, compost, tái chế áp dụng xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại TP.HCM hiện nay chiếm tỉ lệ khoảng 31%, còn lại 60% được chôn lấp hợp vệ sinh.

Để đảm bảo đạt chỉ tiêu tỉ lệ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%, UBND TP.HCM đã giao Sở TN&MT chủ động, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai nhiều giải pháp.

Chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện

Trên địa bàn TP.HCM hiện triển khai bốn dự án chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH sang đốt phát điện. Trong đó, UBND TP đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư đối với hai dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty cổ phần Vietstar (2.000 tấn/ngày) và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày).

Hai đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ gồm: Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày), Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày). Tổng công suất xử lý sau khi chuyển đổi công nghệ khoảng 7.500 tấn/ngày.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, chia sẻ: TP có định hướng đến năm 2025 hơn 80% lượng rác của TP phải xử lý bằng công nghệ hiện đại là tái chế và đốt rác phát điện.

Tỉ lệ sử dụng công nghệ đốt rác tại TP.HCM hiện nay chiếm khoảng 31%, còn lại 60% được chôn lấp hợp vệ sinh. Ảnh: N.CHÂU

Tỉ lệ sử dụng công nghệ đốt rác tại TP.HCM hiện nay chiếm khoảng 31%, còn lại 60% được chôn lấp hợp vệ sinh. Ảnh: N.CHÂU

“Đến thời điểm này TP đã nhận được đề xuất của sáu dự án. Dự kiến đến năm 2025, số lượng rác mỗi ngày phát sinh là khoảng 12.500 tấn. Vậy 80% được xử lý bằng đốt và tái chế là khoảng 10.000 tấn/ngày” - ông Thắng cho biết.

Theo ông Thắng, số lượng rác còn lại, TP hỗ theo hướng mua dịch vụ. Có nghĩa là hướng tới làm sao nhà xử lý phải cung cấp một dịch vụ có thể là đốt và tái chế. Dịch vụ này phải đảm bảo về mặt môi trường, đảm bảo giá TP đưa ra, công nghệ do nhà đầu tư lựa chọn và đưa ra tiêu chí.

Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý rác

UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở KH&ĐT phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Từ đó làm cơ sở triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý rác với tổng công suất 2.000 tấn/ngày.

Đến nay, Sở KH&ĐT đang dự thảo và lấy ý kiến các đơn vị. Bên cạnh đó, UBND TP đã có văn bản giao Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc TP theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư dự án, công bố dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt, TP sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, Sở TN&MT đã phối hợp với tổ công tác liên ngành thẩm định dự án xử lý chất thải trên địa bàn TP làm việc với nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án xử lý CTRSH như: Công ty cổ phần Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu, Công ty TNHH EVGreen.•

TP.HCM quản lý các bãi chôn lấp đã đóng cửa

Theo UBND TP.HCM, TP hiện có năm bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận rác (các bãi chôn lấp số 1, 1A, 2, Đông Thạnh, Gò Cát). Để quản lý các bãi chôn lấp này, TP đã có chủ trương như sau:

Kêu gọi đầu tư xã hội hóa để phủ đỉnh các bãi chôn lấp 1, 1A, 2; cải tạo, phục hồi đối với hai bãi chôn lấp Đông Thạnh và Gò Cát.

Một góc khu vườn sinh thái (bãi rác Đông Thạnh cũ) ở huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: N.CHÂU

Một góc khu vườn sinh thái (bãi rác Đông Thạnh cũ) ở huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: N.CHÂU

Đến nay TP đã tiếp nhận hồ sơ đề xuất của nhiều công ty. Qua xem xét các đề xuất, Sở TN&MT nhận thấy phương án cải tạo, xử lý các bãi chôn lấp đã ngưng tiếp nhận của các công ty khá đa dạng. Điển hình như cải tạo mặt bằng để xây dựng công viên khoa học, khu du lịch sinh thái; tạo quỹ đất sạch để hình thành khu vực đô thị mới hoặc xây dựng nhà máy đốt phát điện...

Hình thức thu hồi vốn được đa số nhà đầu tư đưa ra là sử dụng quỹ đất sạch sau xử lý để phát triển khu đô thị. Tuy nhiên, việc xác định hình thức thu hồi vốn của các dự án đầu tư có liên quan đến quỹ đất sạch sau khi cải tạo các bãi rác đang được TP cân nhắc, xem xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm