Trả hết nợ thì… được tha?

Vụ việc có dấu hiệu bị hình sự hóa, cuối cùng phải đình chỉ nhưng lý do đình chỉ lại không đúng...

Theo cáo trạng, từ cuối năm 2004 đến giữa năm 2005, Nguyễn Thị Mỹ Hạnh đã vay tiền, vàng (hơn 2,1 tỉ đồng) của 11 người với lý do để kinh doanh quán bia hơi Pacific và để chồng kinh doanh thuốc Tây.

Cho bán nhà trả nợ

Thực tế, Hạnh không phải là chủ quán bia hơi, không dùng tiền vay để buôn bán mà sử dụng tiền của người này trả cho người khác, phần còn lại Hạnh tiêu xài cá nhân.

Đầu năm 2007, các chủ nợ đồng loạt khởi kiện ra TAND TP Vũng Tàu để đòi nợ. Hạnh cam kết sẽ trả dần hoặc chờ bán nhà xong sẽ trả đủ nhưng các chủ nợ không chịu. Sau đó, Hạnh bị khởi tố, bắt giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với số tiền chiếm đoạt hơn 2,1 tỉ đồng, Hạnh bị truy tố theo khoản 4 Điều 139 BLHS (mức án cao nhất là chung thân).

Căn nhà chung của vợ chồng Hạnh đã bị kê biên trước đó nhưng người chồng vẫn được tạo điều kiện để bán trả nợ. Nhà bán xong, tại VKSND tỉnh, các chủ nợ - người bị hại của vụ án, lần lượt đến nhận tiền. Hầu hết các nạn nhân đều xóa bớt nợ hàng trăm triệu đồng và làm đơn bãi nại cho Hạnh.

Buộc tội chưa chặt

Vụ đòi nợ cơ bản đã xong nhưng quá trình tố tụng của vụ án vẫn phải tiếp tục. Tháng 6-2010, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa vụ án ra xét xử nhưng thấy chứng cứ buộc tội chưa chặt đã trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Trả hết nợ thì… được tha? ảnh 1

Hồ sơ thể hiện bà Hạnh từng làm chủ quán bia này nhưng vẫn bị VKS phủ nhận. Ảnh: TB

Theo tòa, điều cơ bản trong vụ án này là phải chứng minh được bị cáo bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Thủ đoạn gian dối mà cơ quan điều tra, VKS đưa ra là bị cáo nói vay tiền để kinh doanh nhưng lại không kinh doanh mà đem trả nợ và tiêu xài cá nhân. Cáo trạng quy kết bị cáo không phải là chủ quán bia hơi như đã khai, bị cáo không dùng tiền vay để kinh doanh quán bia hơi này. Thế nhưng hồ sơ lưu trữ tại Phòng Tài chính-Kế hoạch TP Vũng Tàu cho thấy bị cáo Hạnh chính là chủ quán bia này, là người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại địa chỉ nói trên. Cơ quan điều tra đã xác minh tại Chi cục Thuế TP Vũng Tàu, kết quả cho thấy từ ngày 1-1-2003 đến ngày 31-12-2006, hộ kinh doanh do Hạnh đứng tên tại địa chỉ nói trên đã nộp tổng cộng hơn 153 triệu đồng tiền thuế. Những vấn đề trên đều có trong hồ sơ vụ án nhưng ra trước tòa VKS vẫn không đả động đến…

Bị xử lý oan…

Sau khi nhận hồ sơ từ tòa, tháng 11-2010, VKSND tỉnh đã ra quyết định đình chỉ vụ án. Viện vẫn khẳng định bà Hạnh có tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình theo Điều 25 BLHS.

Không đồng ý, bà Hạnh khiếu nại. Trong văn bản trả lời khiếu nại mới đây, VKSND tỉnh lập luận, gia đình bị can đã bán nhà khắc phục hậu quả, đã trả tiền cho các nạn nhân và họ đã rút đơn và xin bãi nại cho bị can. Từ những yếu tố này, viện miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình là có căn cứ.

Theo các chuyên gia pháp lý, chuyển biến của tình hình được hiểu là trước đây, do yêu cầu của xã hội và quy định của pháp luật, hành vi đó cần phải xử lý hình sự nhưng tại thời điểm xem xét, tình hình xã hội đã thay đổi, Nhà nước thấy không cần phải xử lý người có hành vi phạm tội trước đó nữa. Căn cứ để xác định do chuyển biến tình hình phải là những quy định của Nhà nước, bằng văn bản...

Trong vụ này, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hiện cũng chưa có văn bản nào nói tình hình xã hội đã chuyển biến nên hành vi lừa đảo không còn nguy hiểm nữa. Nếu lập luận bị can đã khắc phục hậu quả, người bị hại có đơn bãi nại là “chuyển biến tình hình” thì hoàn toàn không ổn. Đó không phải là căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự mà chỉ là tình tiết giảm nhẹ để xem xét khi lượng hình.

Các chuyên gia nhận định đây là một vụ án oan, cơ quan tố tụng cần nhìn nhận một cách sòng phẳng. Không vì chuyện né tránh trách nhiệm (trong đó có trách nhiệm bồi thường cho người bị oan) mà làm sai lệch bản chất vụ việc và làm sai pháp luật.

Căn cứ miễn trách nhiệm không đúng

VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lấy lý do “gia đình bị can đã bán nhà khắc phục hậu quả, người bị hại đã rút đơn và xin bãi nại cho bị can…” là chuyển biến tình hình nên miễn trách nhiệm hình sự cho bà Hạnh là không chính xác. Việc chồng bà Hạnh bán nhà để trả nợ không phải là chuyển biến tình hình làm cho hành vi lừa đảo không còn nguy hiểm. Khi tội phạm lừa đảo đã hoàn thành thì việc trả nợ chỉ là hành vi tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả, nó không làm cho hành vi lừa đảo mất đi tính nguy hiểm. Việc những người bị hại nhận lại được tiền cũng không phải là tình hình xã hội đã thay đổi... Nếu như vậy, thì đối với các tội phạm khác như tội trộm cắp, tội cướp giật... người bị hại nhận lại được tài sản là chuyển biến tình hình rồi miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội hay sao?

Trong vụ, cơ quan điều tra đã chứng minh bà Hạnh không phải là chủ quán bia, không dùng tiền vào việc kinh doanh thì đó cũng chưa phải hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi nếu có gian dối khi vay nhưng khi vay được tiền lại dùng vào việc khác mà dẫn đến mất khả năng thanh toán thì cũng chưa phải là hành vi phạm tội. Muốn xác định hành vi của bà Hạnh có phạm tội hay không thì còn phải chứng minh bà Hạnh có chiếm đoạt số tiền đó hay không. Với những tình tiết báo nêu, chưa đủ để xác định bà chiếm đoạt hơn 2,1 tỉ đồng...

Ông ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm