Trước đó, tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) tại Bình Thuận cũng đã cử gần 40 chiến sĩ đến đây để hỗ trợ, ngăn chặn xô xát nếu có xảy ra.
Theo đơn tố cáo của ông Tô Tài Tích, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần ĐTKS-TM Bình Thuận, ngày 21-12, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT, bất ngờ ra quyết định cách chức ông và cách chức phó tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Công Thạnh. Sau đó, ông Long cùng một số người lạ vào công ty chiếm giữ luôn trụ sở và dùng nhiều lời lẽ đe dọa công nhân. Nhóm người này hơn 10 người đi hai xe ô tô do một người tên B. cầm đầu. Khi công nhân và bảo vệ công ty phản ứng lại, những người này định lao vào hành hung nhưng được can ngăn kịp thời.
Theo ông Tích, ông Long đã nhận từ bà L. (mẹ ông Tích) 3,3 triệu USD để bán quyền khai thác mỏ titan Suối Nhum. Bà L. và ông Long có thỏa thuận làm một hợp đồng vay tiền. Theo đó, bà L. cho ông Long vay 3,3 triệu USD với lãi suất 0% và ông Long thế chấp giấy chứng nhận sở hữu 60% cổ phần của công ty. Đồng thời, ông Long ủy quyền cho bà L. được toàn quyền điều hành Công ty Cổ phần ĐTKS-TM Bình Thuận. Gần đây, căn cứ hợp đồng vay tiền, ông Long yêu cầu nhận lại giấy chứng nhận cổ phần và trả lại số tiền 3,3 triệu USD cho bà L.
Được biết, sau khi nhận đơn tố cáo của ông Tích, Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc họp bàn cách giải quyết vấn đề này.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Long cho biết số tiền trên là ông vay chứ không phải bán dự án. Hiện ông là chủ tịch HĐQT nên có toàn quyền quyết định mọi việc, kể cả cách chức tổng giám đốc và phó giám đốc. Về thông tin tố cáo ông đưa “xã hội đen” đến công ty để hù dọa, khống chế chiếm giữ trụ sở, ông Long khẳng định không hề có việc này và cho biết sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường để giải quyết vụ việc.
PHƯƠNG NAM