Trợ cấp nhà giáo nghỉ hưu: 2-3,5 triệu?

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố bản dự thảo Quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu (ngày 4-10), dư luận đã bày tỏ sự không đồng tình với mức trợ cấp mà Bộ GD&ĐT đưa ra với 190.000 nhà giáo về hưu, có người giảng dạy từ năm 1960.

Lý giải chưa thỏa đáng

Theo đó, mức trợ cấp một lần, bằng tiền cho những nhà giáo về hưu từ 1-1-1994 đến 1-5-2011 là 2-3,5 triệu đồng/người. Mức trợ cấp này chỉ tương đương với một tháng lương hưu bình quân của nhà giáo, viên chức hiện nay (nhà giáo là 3,15 triệu đồng/người/tháng, viên chức là 2,35 triệu đồng/người/tháng).

Sự bất hợp lý về mức trợ cấp cho các nhà giáo này ở chỗ những nhà giáo nghỉ hưu chỉ sau họ chỉ một ngày (tức là từ ngày 2-5-2011) nghiễm nhiên được hưởng mức trợ cấp theo Điều 3 của Nghị định 54/2011 với cách tính là Nhà giáo đủ năm năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%”.

Lý giải về cơ sở đưa ra mức trợ cấp trên, Bộ GD&ĐT cho rằng việc đưa ra mức trợ cấp như trên có xem xét sự tương quan từ nhiều phía. Trong đó có cả mối tương quan giữa các nhà giáo đã được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu ở giai đoạn trước và nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị định 54/2011/NĐ-CP.

Trợ cấp nhà giáo nghỉ hưu: 2-3,5 triệu? ảnh 1

Học sinh Trường Lê Hồng Phong, TP.HCM trong một lần tặng hoa tri ân các nhà giáo đến tuổi hưu tại trường. Ảnh: HTD

“Nếu thực hiện “hồi tố” chế độ phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo này theo mức tương ứng như quy định tại Nghị định 54 thì kinh phí phải đảm bảo chi trả sẽ rất lớn, khả năng ngân sách Nhà nước không đáp ứng được và không đúng với tinh thần của Nghị quyết số 21/2011 của Quốc hội là thực hiện chế độ trợ cấp đối với giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên” - Bộ GD&ĐT giải thích.

Tuy nhiên, Nghị quyết 21 chỉ nêu Năm 2012, thực hiện chế độ trợ cấp đối với đội ngũ giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên” chứ không hề quy định gì về mức trợ cấp thâm niên cho nhà giáo.

Không tôn trọng và công bằng

Nhà giáo ưu tú, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, nêu ý kiến: “Tôi hoan nghênh họ đã quan tâm, chú ý đến các nguyện vọng của nhà giáo. Nhưng cách giải quyết như vậy không thỏa đáng gây nên sự bất bình. Bản chất ở đây là phải trả lại công bằng. Tức là trước đó nhà giáo được thâm niên, sau đó cũng được thâm niên, vậy vì lý do gì lại cắt của người ta đi? Nhất là những nhà giáo này đều trưởng thành và cống hiến trong giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ hết sức khó khăn. Rồi thời kỳ bao cấp họ cũng phải chịu đựng thiếu thốn. Tôi đề nghị nếu hiện nay chưa giải quyết được thì dừng lại, chứ không nên dùng trợ cấp ấy để tỏ ý thương hại nhà giáo”.

Bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, cũng nêu ý kiến: “Bộ GD&ĐT đã bỏ qua các ý kiến của nhà giáo về hưu, các yêu cầu của Hội Cựu giáo chức địa phương khi đưa ra dự thảo này.

Nếu tính theo đề xuất của Hội Cựu giáo chức TP.HCM, những giáo viên có thâm niên 30-40 năm trong nghề (lương hưu x thâm niên x 0,3 (hoặc 0,5)) thì mỗi giáo viên cũng nhận được 30-40 triệu đồng thì họ cũng vui. Nhưng Bộ GD&ĐT không đồng ý với hệ số trên và nói sẽ áp dụng hệ số 0,2, chúng tôi cũng đồng tình. Tuy nhiên, dự thảo đưa ra chỉ hỗ trợ một lần, người thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất cũng chỉ 3,5 triệu đồng! Một cảm giác buồn và thất vọng vô cùng!”.

Đó là sự xúc phạm các nhà giáo!

Cách trả cho các nhà giáo như dự thảo đưa ra là cách làm bần tiện, không thể chấp nhận được. Vì nó không bằng một tháng phụ cấp thâm niên của người đương chức, người đang đứng trên bục giảng. Với số tiền trợ cấp thế này, tôi là người đại diện cho anh em, tôi xin trả lại!

Vừa rồi, Hội Cựu giáo chức Việt Nam có đề xuất tiền trợ cấp tính theo công thức là số năm công tác của từng người nhân với % số lương (hệ số K) thì trung bình một người dạy trong 40 năm được khoảng 30-45 triệu đồng.

Nhân Hội nghị Trung ương 6, Hội Cựu giáo chức Việt Nam và Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội đã gửi thư cho Tổng Bí thư và tất cả ủy viên Trung ương khóa 11 đề xuất phải có phụ cấp thâm niên chứ không phải là trợ cấp cho các nhà giáo.

Tôi cũng nói thêm rằng việc xây dựng phương án thực hiện trợ cấp cho giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên cũng được xem xét trong mối tương quan về chế độ phụ cấp thâm niên của công chức, viên chức nói chung gồm sáu ngành, có thể những cái đó là sai. Chúng ta không nên lấy cái sai để vào cái sai.

GS-VS PHẠM MINH HẠC, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Dự thảo đưa ra ba mức chi trả:

- Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1-1-1994 đến 31-12-1998: 2 triệu đồng;

- Từ 1-1-1999 đến 31-12-2003: 3 triệu đồng;

- Từ 1-1-2004 đến 1-5-2011: 3,5 triệu đồng.

Dự toán ngân sách Nhà nước phải chi cho chế độ này khoảng 565 tỉ đồng.

T.TRÚC - Q.VIỆT - A.PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm