Lượng tiêu thụ mì ăn liền ở Trung Quốc thời gian gần đây tăng mạnh. Và nhiều nhà quan sát cho rằng điều này có thể có liên quan đến tình hình kinh tế ở Trung Quốc hiện tại: Liệu có phải người tiêu dùng chọn ăn thực phẩm rẻ tiền hơn vì lo lắng trước viễn cảnh tăng trưởng kinh tế trì trệ?
Câu hỏi này rất quan trọng vì chính phủ Trung Quốc đang trông chờ vào tiêu dùng trong nước để giúp cho nền kinh tế, trong bối cảnh cuộc thương chiến với Mỹ vẫn đang giằng co. Nếu người tiêu dùng siết túi tiền thì đồng nghĩa tăng trưởng kinh tế sẽ chậm hơn mong đợi.
Doanh số mì ăn liền tăng, doanh số xe hơi giảm
Tiêu dùng mì ăn liền ở Trung Quốc đại lục và ở Hong Kong từng có xu hướng giảm sau năm 2014, một phần vì sự bùng nổ của việc ra đời những bữa ăn mang đi giá rẻ từ các công ty khởi nghiệp giao thức ăn tại nhà. Số lượng mì ăn liền bán ra tại Trung Quốc năm 2016 là 38,6 tỉ gói nhưng đến năm ngoái tăng đến mức hơn 40 tỉ gói - tương đương hơn 38,8% doanh số toàn cầu, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới. Các nhà phân tích dự đoán doanh số sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm nay.
Mì ăn liền là một loại sản phẩm biểu tượng gắn với đà công nghiệp hóa nhanh của Trung Quốc hơn 40 năm qua. Ảnh: BLOOMBERG
Mì ăn liền là một loại sản phẩm biểu tượng gắn với đà công nghiệp hóa nhanh của Trung Quốc hơn 40 năm qua. Doanh số mì ăn liền tăng vùn vụt cùng với đà gia tăng số lượng công nhân trong các ngành công nghiệp. Nhưng rồi doanh số mì ăn liền cũng giảm dần tỉ lệ nghịch với đà gia tăng của tầng lớp trung lưu Trung Quốc và tầng lớp này chịu bỏ nhiều tiền hơn để ăn các loại thức ăn cao cấp hơn.
Tại Trung Quốc có hai mặt hàng được xem như chỉ dấu đánh giá hành vi tiêu dùng, đó là mì ăn liền và xe hơi, vì sự phổ biến và tầm quan trọng của hai mặt hàng này. Doanh số mì ăn liền và doanh số xe hơi thường được xem là căn cứ để đánh giá liệu người tiêu dùng Trung Quốc đang rộng tay chi tiêu để mua các mặt hàng đắt tiền (khi doanh số xe hơi tăng), hay đang siết lại hầu bao chỉ mua những mặt hàng rẻ tiền (khi doanh số mì ăn liền tăng).
Doanh số xe hơi cá nhân giảm 14 tháng liên tục kể từ tháng 8 trở về trước, theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc. Các nhà phân tích xem đây là một chỉ dấu làm rõ hơn sự sụt giảm trong thu nhập của người dân, nợ nần tăng và lo lắng về viễn cảnh việc làm. Những điều này đã khiến người dân tằn tiện hơn trong chi tiêu.
“Trong năm tháng qua, số lượng mì ăn liền ở Trung Quốc được tiêu thụ tăng trở lại đến mức 40 tỉ gói một năm. Phải thừa nhận đã có nhiều cải tiến trong ngành công nghiệp này nhưng dù sản phẩm có thay đổi tới mức nào thì đó vẫn là mì ăn liền” - theo ông Tao Dong, Giám đốc điều hành tập đoàn tài chính Credit Suisse Private Banking Asia-Pacific.
“Doanh số mì ăn liền tăng nóng không phải vì có sự thay đổi lớn trong sản phẩm mà là vì thay đổi ở phía người tiêu dùng… Cũng như ở phía ngược lại là doanh số yếu của mặt hàng xa xỉ như xe hơi. Đằng sau tất cả điều này là sự giảm cấp tiêu dùng” - ông Tao nhận định.
Theo ông Tao, sự tiêu dùng “được xây dựng từ những kỳ vọng về thu nhập tương lai”. Và “viễn cảnh thu nhập tương lai không ổn định, nên sự lựa chọn tiêu dùng tự nhiên trở nên thận trọng hơn”.
Thu nhập giảm nên phải chi tiêu tằn tiện, thận trọng
Theo SCMP, truyền thông Trung Quốc đang rất nỗ lực để ngăn chặn truyền bá thông tin người tiêu dùng trong nước đang giảm chi tiêu. Thay vào đó truyền thông Trung Quốc nói sự hồi phục của doanh số mì ăn liền là một sự thành công của việc cải tiến sản phẩm, rằng việc doanh số mì ăn liền tăng là một sự thăng cấp tiêu dùng.
“Sự quay trở lại của mì ăn liền và mặt hàng rau củ bảo quản không phải vì người dân giảm cấp tiêu dùng, mà vì các công ty đã nắm bắt được cơ hội thị trường khi người dân Trung Quốc thăng cấp tiêu dùng, bằng cách đa dạng hóa và giới thiệu các mặt hàng mì ăn liền cao cấp” - trích một bài viết trên Nhân Dân Nhật Báo tháng trước.
Trong báo cáo nửa cuối năm 2018, Tingyi Holding - nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc cho biết doanh số sản phẩm mì ăn liền của mình tăng 3,68% trong năm 2018, lên 11,5 tỉ nhân dân tệ (1,6 tỉ USD). Doanh số tăng chủ yếu nằm ở các mặt hàng mì ăn cao cấp, trung bình có giá khoảng 24 nhân dân tệ (khoảng 80.000 đồng) một gói - đắt hơn cả tô mì bò trong một nhà hàng Trung Quốc.
Số lượng mì ăn liền bán ra tại Trung Quốc năm ngoái hơn 40 tỉ gói - tương đương hơn 38,8% doanh số toàn cầu. Ảnh: BLOGSPOT
Tăng trưởng thu nhập của người dân Trung Quốc - một yếu tố chính quyết định chi tiêu - gần đây có sự sụt giảm. Trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng thu nhập bình quân chỉ ở mức 6,6%, so với mức hơn 8% thời điểm năm 2014, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. So với các gia đình bình dân, mức tăng trưởng thu nhập của một bộ phận gia đình nhiều tiền sẵn lại nhiều hơn - chủ yếu tăng thu nhập từ các khoản đầu tư chứ không từ lương.
Nhưng thậm chí các gia đình thu nhập cao cũng trở nên thận trọng hơn trong việc tiêu tiền. Hurun Report - công ty chuyên nghiên cứu, tham vấn về đầu tư - đưa ra chỉ số giá tiêu dùng hàng xa xỉ ở Trung Quốc giảm 0,3% trong năm nay, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2015.
“Hơn một nửa của các mặt hàng (trong số các mặt hàng dùng làm căn cứ để đánh giá) là hàng nhập khẩu. Với sự giảm giá của đồng nhân dân tệ, các mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Chúng tôi nghĩ chỉ số giá tiêu dùng hàng xa xỉ sẽ tăng nhưng thực tế chỉ số lại giảm một ít” - Hurun Report nhận xét.