Nhạc sĩ Giáng Son:“Tôi sống đúng con người của mình”

Nhạc sĩ Giáng Son:“Tôi sống đúng con người của mình” ảnh 1

Tôi không muốn năm dòng kẻ hy sinh vì mình

Chị còn nhớ ngày đầu tiên đến Sài Gòn cùng Năm Dòng Kẻ?

Đó là năm 2003. Khi ấy, một người bạn của chúng tôi rủ rê và hứa sẽ giúp đỡ, giới thiệu công việc cho nhóm. Chính tôi là người lôi kéo và rủ rê mọi người thử vào Sài Gòn một thời gian. Khi đó, Năm Dòng Kẻ ở Hà Nội mỗi người đều có một công việc riêng, hầu hết các bạn đều đi hát hàng đêm ở Hà Nội như những ca sĩ đơn nên lúc ấy cũng có những suy nghĩ, nếu vào Sài Gòn thì chỉ là một thời gian ngắn mà thôi. Chúng tôi đã rất hứng khởi, đặt ra chỉ tiêu sáu tháng trụ lại Sài Gòn để thực hiện một album đầu tay làm kỷ niệm, rồi sau đó sẽ chia tay nhau, ai trở về công việc của người nấy.

Và đến khi nào chị quay trở về Hà Nội?

Tôi ở liền sáu tháng trong Sài Gòn để hoàn thiện công việc cùng các bạn. Album hoàn tất, một mình tôi cứ bay ra bay vào để duy trì việc đi dạy và đi biểu diễn cùng mọi người để giới thiệu album này. Duy trì thêm được một thời gian, đến giữa năm 2005, tôi quyết định rời Năm Dòng Kẻ. Thực lòng mà nói, để đến quyết định này, tôi mất thời gian dùng dằng khá lâu. Ban đầu, tất cả đã có ý định chia tay nhau nhưng album đầu tay lại rất thành công nên mọi người quyết định giữ nhóm. Công bằng mà nói, các bạn của tôi hầu hết nghề nghiệp chính là ca sĩ thì họ phải hát. Còn cá nhân tôi, tôi đã làm một giảng viên từ trước đó khá lâu rồi. Khi Năm Dòng Kẻ thành công, chính tôi cảm thấy mình phải lựa chọn vì hai công việc của tôi quá khác nhau. Áp lực của nghệ sĩ biểu diễn đến hàng ngày như chụp ảnh, quay hình, tập hát, tập nhảy, quần áo, son phấn…

Có thể khi mình còn trẻ, nó có những quyến rũ nhất định nhưng ngược lại, gây cho tôi một áp lực vô hình. Tôi tham gia vào nhóm không phải là một giọng hát chính, mà xác định từ đầu là một nhạc sĩ sáng tác, hát cùng với các bạn những tác phẩm của mình. Sáng tác là con đường lâu dài mà cá nhân tôi hướng đến. Nếu như phải làm việc và duy trì việc sáng tác trong một vòng quay của áp lực và công việc, tôi không còn giữ chất của mình. Sống ở Sài Gòn, dù chưa hẳn là những người bận rộn nhất nhưng nếu để có được thành công lớn hơn, ai cũng phải cố gắng, phải lao theo vòng quay của công việc.

Áp lực ấy đến với tôi rất lớn, vì tôi không còn trẻ lại có những ràng buộc về công việc. Bắt buộc tôi phải lựa chọn để bảo toàn cho sự sáng tạo của mình. Tôi không thể hy sinh những cố gắng cho một sự nghiệp sáng tác lâu dài.

Mọi người đã đối diện với quyết định chấp nhận bỏ qua một cuộc chơi của chị thế nào?

Tôi cũng không rõ các bạn của tôi đã nghĩ về tôi thế nào trong quyết định này. Nhưng tôi hiểu, chính họ đã quá mệt mỏi với những sự thay đổi thành viên trước kia, bởi hát nhóm rất cần một thời gian để hiểu và hoà nhập với nhau. Các bạn cũng đã cố gắng níu kéo tôi vì con số năm trong chính cái tên của nhóm… Có đề nghị đưa ra hướng tôi vẫn là thành viên, chuyên sáng tác và đứng ở sau sân khấu. Song tôi cũng cảm thấy mọi người phải hy sinh cho mình thì cũng không hay lắm. Tốt nhất là thôi, bởi một sự rõ ràng thì hay hơn… Những người thân trong gia đình thì rất đồng ý với ý kiến của tôi. Khi ấy họ nghĩ một nhóm hát tồn tại với tuổi thọ không dài, nhất là một nhóm hát toàn nữ, sau này còn phải có những áp lực khác như chồng con, gia đình.

Gọi là ca sĩ tôi thấy vô cùng xa lạ

Công việc của một giảng viên của chị diễn ra thế nào?

Tôi dạy nhạc lý cơ bản tại khoa kịch hát dân tộc, một tuần đi dạy hai buổi. Nhưng lớp lại toàn những sinh viên lớn tuổi, có người trên 40, 50 tuổi… Họ là những nhạc công hoặc quản lý của các đoàn kịch hát dân tộc trong cả nước và họ đến đây học hệ thống lại về âm nhạc để dàn dựng các chương trình nhạc dân tộc. Họ đều là những người rất giỏi nhạc dân tộc đến từ khắp các địa phương. Tôi dạy người ta học âm nhạc phương Tây, nhưng lại được học lại từ họ được những ngón đàn dân tộc đã được chắt lọc. Phải nói là rất quý giá. Bố tôi cũng là một người như vậy, cụ đã gắn cả đời mình với sự nghiệp gìn giữ âm nhạc dân tộc nên cụ rất tự hào và mong muốn tôi được tiếp nối công việc này. Mong ước của bố tôi là con gái mình sau mười mấy năm học cổ điển phương Tây sẽ có những đầu tư thích đáng để nghiên cứu nhạc dân tộc, phát triển nghề nghiệp trên một nền tảng âm nhạc quý giá, bản sắc của riêng người Việt Nam.

Còn cuộc sống ngoài bục giảng?

Rất là giản dị là ở nhà. Tôi ít khi ra đường, càphê ... Ở nhà, dành phần lớn thời gian cho việc tập đàn, nghe nhạc và xem phim. Thời gian gần đây tôi đang chuẩn bị để tốt nghiệp cao học nên lại dành phần lớn thời gian cho việc viết giao hưởng. Hầu hết một ngày của tôi là viết và nghe.

Chị đã thay đổi mình thế nào để trở về công việc sư phạm này?

Tôi không phải thay đổi gì cả bởi đó mới chính là con người của tôi. Những ngày đầu tiên đi hát, cách đây hơn mười năm, với ý nghĩa đầy trong sáng ngây thơ, coi đây là một cuộc chơi mà thôi. Tất cả mọi người đã không nghĩ Năm Dòng Kẻ sẽ có được thành công, còn riêng tôi không trông đợi những sự nổi tiếng. Khi mọi người gọi là Ca sĩ Giáng Son, tôi lại cảm thấy vô cùng xa lạ. Khi tập nhảy, tập hát, rồi đến lúc trang điểm để bước lên sân khấu, hình như tôi đang đóng vai một người khác, cố gắng trở thành người khác. Nhóm càng thành công thì vai diễn đó lại càng quá lớn, nhìn vào gương thấy mình không phải là chính mình. Và đó là lý do tôi càng phải quay trở về chính mình.

Chị không thích sự nổi tiếng ồn ào à?

Nếu nổi tiếng ồn ào thì không. Tôi vẫn quan niệm, người có tài thì sự nổi tiếng đến với họ là điều tất nhiên. Nhưng tôi vẫn nhìn thấy nhiều người có tài lại không nổi tiếng, còn ngược lại là không có tài mà lại nổi tiếng bởi những cái gì đó phù phiếm lại quá nhiều. Tôi vẫn mong người có tài được toả sáng. Điều đó mới thực sự lâu dài, đáng được trân trọng.

Nhưng cũng có khá nhiều dư luận vây quanh đám cưới của chị dù chị cũng đã cố giấu nó. Chị cũng nổi tiếng đấy chứ?

Nói công bằng thì chính tôi khi lang thang internet cũng hay tò mò với những thông tin kiểu cưới ai, bỏ ai trong làng văn nghệ. Nhưng cá nhân tôi, tôi không phải là những ca sĩ diễn viên nên cũng muốn tránh, không thích nói ra những chuyện riêng tư và muốn giữ hạnh phúc cho riêng mình và người thân mà thôi. Có vài điều sau đám cưới từ chuyện giấu thông tin này của tôi đến từ báo mạng, nhưng có lẽ họ cứ lờ đi một quyền được riêng tư của mỗi người và trách móc tôi không chia sẻ hình ảnh hoặc thông tin về đám cưới. Nhưng tôi quả thực, tôi không có nhu cầu tự công bố những điều ấy.

Không tuyệt đối hoá những nhu cầu về hạnh phúc

Cuộc sống trước và sau hôn nhân của chị khác nhau chứ?

Đương nhiên. Sau này có con cái thì không rõ tôi sẽ thay đổi thế nào, nhưng bây giờ chỉ có hai vợ chồng son thì cũng dễ xoay chuyển. Thực ra tính cách của tôi từ bé cũng hơi khác. Mẹ thì rất chiều chuộng và chăm sóc, nhưng tôi lại chẳng thích được chiều chuộng như thế lắm. Tôi hơi tự lập nên khi sống chung mà được quan tâm nhiều lại không cảm thấy thoải mái, chiều quá có khi lại hơi khó chịu. Giờ lấy chồng lại được tự do hơn nên cảm thấy thoải mái nhiều hơn. Nhất là một ông chồng ngoại quốc, họ lại có tư tưởng thoáng hơn nhiều.

Vậy sự khác biệt trong âm nhạc?

Khi còn thiếu nữ, ai chẳng quan tâm đến chuyện tình yêu. Tôi cũng chủ yếu viết về tình yêu, từ những thất vọng cho đến những khao khát về tình yêu. Khi mình chưa có thì mình viết khác, giờ có chồng và hạnh phúc rồi thì khao khát ấy nó không còn mãnh liệt như trước. Giờ tôi thích những gì dịu dàng, mềm mại, nữ tính. Tất nhiên, thời điểm này mục tiêu của tôi là làm khí nhạc nên tôi tạm gác mảng ca khúc sang một bên.

Hạnh phúc của chị được đong đếm như thế nào?

Trong cuộc sống thì không thể nào hoàn hảo, nên làm phụ nữ cũng không nên quá mơ mộng hoặc tuyệt đối hoá những nhu cầu về hạnh phúc. Nhất là từ hai người hoàn toàn xa lạ, thậm chí là khác biệt về văn hoá sống như vợ chồng tôi thì trong cuộc sống cũng sẽ có nhiều va chạm, tranh luận, giận dỗi đủ cả. Nhưng điều có lợi là cả hai đều đã là người trưởng thành, có đủ sự từng trải và hiểu biết để có thể kiềm chế. Sau tranh luận thì biết điểm dừng, biết cách làm lành để có thể bắt chuyện lại với nhau. Hạnh phúc đối với tôi đơn giản lắm, là buổi sáng ngủ dậy được mỉm cười và nói “good morning”, là được tỉnh dậy pha càphê cho ông ấy, cùng nói chuyện vào buổi sáng trước khi mỗi người ngồi vào máy tính cá nhân và theo đuổi những công việc riêng… Thi thoảng, ông ấy thích đổi món và tự lao vào bếp, nấu nướng những món phương Tây… Hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhặt thôi… Đôi khi có những xáo trộn thì phải biết sắp xếp lại trật tự, để không đánh mất đi những giây phút nhỏ nhặt ấy của cuộc sống.

Nhưng điều nhỏ nhặt ấy đối với chị cũng có thể hiểu là một sự đánh đổi. Vì biết đâu nếu vẫn đang là nghệ sĩ, chị có những hào quang khác, nhiều tiền hơn… Với chị, chị cần một mức sống như thế nào?

Nếu nói để đủ thì chẳng biết thế nào là đủ, đứng núi này trông núi nọ. Đủ là mình trông lên có thể còn kém người này, nhưng nhìn xuống thì cũng còn hơn quá nhiều người kia… Thời gian còn làm ở nhóm, tôi cũng chưa kiếm được nhiều tiền, thậm chí tất cả các thành viên còn phải bỏ thêm tiền túi để thực hiện những dự án âm nhạc. Lúc đó cátsê và show diễn của Năm Dòng Kẻ cũng chưa nhiều để tôi biết là mình có thể kiếm tiền hay hào quang gì từ nghề biểu diễn. Nhưng giờ đây tôi hài lòng với cuộc sống của mình, cũng có thể kỳ vọng vào những thu nhập tốt nhờ công việc ấy.

Vậy có phút nào chị ân hận mình đã không theo đuổi con đường biểu diễn nhiều hào quang và cả phù phiếm là ca sĩ hay không?

Hoàn toàn không. Vì tôi biết để trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng là vô cùng khó khăn và trả giá rất nhiều… Chưa nói là nó có thể trả giá bằng những tai tiếng, mà rõ ràng nhất là trả giá về tình cảm. Họ phải hy sinh quá nhiều cho sự nghiệp nên đời sống tình cảm vất vả và lận đận. Điều ấy có thể nhìn thấy rõ ở nhiều ca sĩ nổi tiếng và thành đạt bây giờ… Có thể họ quá cá tính, quá yêu nghề… nhưng trong tình yêu thì không hẳn đã trọn vẹn. Tôi vẫn được làm công việc tôi yêu, cũng có thể gọi là một nghệ sĩ nhưng âm thầm và lặng lẽ thôi. Tôi không ân hận, bởi tôi không hợp với những sự lấp lánh khác biệt mà nghề nghiệp ca sĩ bắt buộc phải như vậy.

Theo Bạch Vân (SGTT)

ảnh: Giang Huy

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm