Lớp học đặc biệt của 'ngoại Thủy' ở Sài Gòn

Lớp học đặt tại trụ sở ban điều hành khu phố 5, phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM.

Bà Trần Thị Thủy (65 tuổi) - được các em quen gọi với cái tên thân thương là “ngoại Thủy” cùng với một vài chị em trong ban điều hành đã cùng chung tay lập nên và duy trì lớp học từ năm 2013 đến tận bây giờ.

Bà Thủy tâm sự, hồi trẻ bà học sư phạm thực hành nhưng chỉ mới học được một năm thì tai nạn ập đến với bà khiến bà phải bỏ dở việc học. Một thời gian sau, bà lập gia đình và ở nhà buôn bán kiếm sống. Đến khi các con bà đã trưởng thành, bà chuyển nhà về quận 2 và bén duyên với công tác khu phố suốt mười mấy năm qua.

"Ngoại Thủy" cùng các tình nguyện viên dạy các em trong một buổi học ở lớp học tình thương.

Làm phó ban điều hành khu phố, bà Thủy có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều hộ gia đình. Qua tìm hiểu, bà mới biết trong khu phố mình đang sống còn quá nhiều đứa trẻ không biết mặt chữ dù đã quá tuổi đi học. Những đứa trẻ này đa phần là con của các gia đình nhập cư nghèo, không có giấy tờ, không có việc làm ổn định, nhiều đứa trẻ bữa đói bữa no, thậm chí có đứa sống nhờ vào số trái cây người ta cúng ở nghĩa trang.

Thương tụi nhỏ, bà về bàn với các chị em trong ban điều hành lập ra bếp ăn tình thương và lớp học tình thương. Bà tập hợp bọn trẻ lại quyết tâm dạy cho chúng cái chữ, cho chúng bữa ăn no.

Những năm đầu khi mở lớp chỉ có vỏn vẹn 4-5 em đến học, lớp học thiếu đủ thứ; bà phải đi xin tập vở, quần áo cho các em, bà bỏ tiền túi ra mua đồ nấu ăn cho các em để các em được no bụng, sau đó mới dạy các em con chữ và những điều hay lẽ phải.

Từ chỗ 4-5 em, tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình đến xin cho con học chỗ bà Thủy. Đến nay lớp học đã lên đến gần 40 em với đủ mọi lứa tuổi.

Mỗi tuần lớp học ba buổi: thứ năm, thứ bảy và chủ nhật. Do lớp học đông nên bà chia tụi nhỏ thành từng nhóm để dễ kèm, em nào chưa biết đọc biết viết vào một nhóm, các em đã đi học ở trường vào một nhóm.

Suốt 7 năm qua, hàng trăm em từ chỗ không biết gì đã biết đọc, biết viết. Với những trường hợp có thể làm được giấy tờ hợp lệ, bà Thủy lại chạy đôn chạy đáo hỗ trợ các em, bà xin học bổng cho các em vào học trong trường, em nào nhà xa không thể đến lớp, bà xin cho xe đạp để các em không bỏ học buổi nào.

Trần Thị Thủy cùng người bạn là bà Nguyễn Thị Bảy cùng nhau lập ra và duy trì lớp học tình thương. Trước giờ học, bà Thủy và bà Bảy tranh thủ nấu ăn, khi thì cơm, hủ tiếu, nui...tùy theo sở thích của các em.

Các em được tan học ở trường sớm liền chạy qua lớp tình thương để phụ bà Thủy sắp xếp bàn ghế trước giờ học.

Các em vào bếp phụ bà Thủy dọn các khay thức ăn ra bàn.

"Mỗi tuần ba buổi, tôi và chị Bảy đều nấu ăn cho tụi nhỏ. Muốn tụi nhỏ chăm học thì phải cho chúng ăn no và đầy đủ chất mới được"- bà Thủy nói.

Bà Thủy quan tâm từng đứa như con cháu ruột của mình, không để chúng bị đói hay thiếu thốn quần áo, tập vở.

Em Huỳnh Kim Loan dù 14 tuổi mới được vào lớp 1. Trước đây Loan không biết chữ, được bà Thủy dạy biết đọc, biết viết, rồi bà Thủy xin cho Loan vào trường  bắt đầu học lớp 1. Ban ngày, Loan học ở trường, tối đến học với ngoại Thủy, “nhờ ngoại Thủy mà em biết chữ, được đi học nên em rất vui”- Loan nói.

Sau giờ làm, chị Châu Thị Thơ đưa con đến học ở lớp tình thương. "Gia đình em khó khăn, dì giúp tiền, giúp gạo, khi con em 5 tuổi, dì đến tận nhà động viên cho bé tới học để biết chữ sau này còn đi học ở trường" - Chị Thơ chia sẻ.

Nhiều mạnh thường quân biết tới việc làm của bà Thủy, họ đến ủng hộ mong bà có thể duy trì được bếp ăn và lớp học tình thương cho bọn trẻ. Có người ban ngày làm giáo viên ở trường, có bạn sinh viên năm thứ 2 ban ngày đi học, tối đến lớp học của bà Thủy xin được dạy các em.

Dù tuổi tác đã cao, bà Thủy vẫn miệt mài chỉ dạy các em từng con chữ.

Không những dạy chữ cho các em, bà Thủy còn tính toán luôn kế sinh nhai cho cha mẹ các em. Nhà nào nghèo cần phương tiện làm ăn, bà bỏ tiền túi ra giúp hoặc kết nối các nhà hảo tâm chung tay lại, chỉ để mong gia đình họ được ổn định cuộc sống, an tâm cho con cái đi học.

“Mẹ em có quen với các cô trong hội phụ nữ ở phường, nghe các cô nói lớp cô Thủy đang cần người dạy học nên em đến. Em dạy cho các em cũng được hơn 2 tháng, chủ yếu là dạy các em nhỏ nhất tập viết, tập đọc, nhìn các em hồn nhiên ham học làm em muốn gắn bó với lớp học lâu dài”- Nguyên Thư, sinh viên năm 2 trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM.

Bà Thủy cùng với các thầy cô tình nguyện viên và các em sau một buổi học ở lớp tình thương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm