Vĩnh biệt hoạ sĩ - nhà thơ Chu Hoạch

Vĩnh biệt hoạ sĩ - nhà thơ Chu Hoạch ảnh 1Sau ngày thống nhất đất nước vài năm, tôi về công tác tại Hà Nội. Trong câu chuyện bạn bè thù tạc nơi quán rượu, anh em hay nhắc đến các nhà thơ "chân đất" của một thời như Chu Hoạch, Phan Đan, Lê Huy Quang, Tường Vân... và hay đọc những câu thơ của họ một cách rất đắc ý, những câu thơ chỉ "xuất bản miệng" từ quán này sang quán khác.

Tôi rất thích những câu thơ Chu Hoạch như: "Thu rất thật thu là lúc chớm đông sang/ Em rất thật em là lúc em hoang mang lựa chọn/ Anh rất thật anh là biết ra đi nhẹ gọn/ Để đỡ cho em mất một lời chào/ Để đỡ cho trời một chút gió xôn xao". Câu chuyện về các nhà thơ "chân đất" kiêm hoạ sĩ tài hoa thường được đem ra "nhắm" ở các cuộc rượu khiến tôi sinh tò mò, muốn gặp.

Chu Hoạch là người tôi gặp muộn nhất trong số đó, là một người dung dị, dễ gần, cởi mở. Anh đọc cho tôi nghe rất nhiều thơ. Số sổ tay thơ của Chu Hoạch làm từ ngày anh đi bộ đội, rồi đến lúc ra làm nhân viên công trình đô thị chuyên đi vét cống ngầm dưới mặt đất HN và tới những ngày lang thang chỉ làm thơ và vẽ, hình như chồng lên còn cao hơn cả chiều cao của anh.

Chu Hoạch vẽ và làm thơ cũng như thể nhập đồng. Làm thơ xong và vẽ xong thì mang đến các quán rượu triển lãm. Bức nào cho "đi ở" được thì là có ít tiền để sinh sống. Còn nói chung là cứ "gặp đâu uống đấy" cùng bạn bè.

Thời ấy đói khổ, nhưng con người thương quý nhau hơn bây giờ. Mấy bài thơ mà Chu Hoạch "xuất bản miệng" không biết bao nhiêu lần khiến nhiều người thuộc lòng, trong đó có bài tôi đã kể ở trên, còn bài nữa cũng dễ thuộc vì ngắn: "Có một nấm mồ không đáy: - thời gian - Có một nỗi buồn không tan trong thời gian không đáy/ Đó là nỗi buồn của chiếc giày chân trái/ Không tìm thấy chiếc giày chân phải để thành đôi".

Nhưng độc chiêu nhất là các bài "Cống", "Quê" và "Gió đầu ô", đến nỗi nhiều người gọi Chu Hoạch là "thi sĩ cống" hoặc "thi sĩ quê". Anh luôn có một niềm tin hồn nhiên rằng dù thế giới có tốc độ đến mấy, hiện đại và tiện dụng đến mấy thì "mãi mãi tình yêu cứ là điều bí mật/ Và thơ tình vẫn có giá riêng".

Bài "Gió đầu ô" có nhiều người thích thú chép vào sổ của mình. Bởi thế, có người khi thấy bài này trong sổ tay Trần Vũ Mai đã nhầm "Gió đầu ô" là của Trần Vũ Mai. Bài này và nhiều bài trên, Chu Hoạch đã in vào tập thơ của mình vài năm nay sau khi được trao giải thưởng ở Hội Văn nghệ Hà Nội.

Còn về vẽ, Chu Hoạch cũng đứng riêng một "cõi" chẳng giống ai. Tranh Chu Hoạch luôn bị ám ảnh bởi gam màu trầm với những nét khúc khuỷu đan chéo nhau thường toả ra một nỗi buồn khó tả.

Cứ sống, cứ yêu, cứ làm thơ, cứ vẽ quên thời gian, quên đói nghèo, Chu Hoạch xác tín rằng những gì mình rung cảm thật, dâng hiến thật sẽ còn lại mãi với cuộc đời. Bởi thế, bên anh luôn có những người bạn chia sẻ cùng anh, nhất là những năm tháng cô đơn cuối đời.

Cũng bởi thế, đối với anh, cái chết là điều mà anh đã tự chuẩn bị cho mình từ lâu: "Ngày hôm nay, tôi nhắc đến chữ chết nhiều/ Chết đâu phải là điều cần tránh/ Chết đó là phần chia tư chiếc bánh/ Mỗi đời người nên biết cách ăn...".

Không biết có phải vào cuối ngày 4.10.2007 đã đúng là lúc định mệnh nhắc anh chưa mà anh đã sớm ra đi khỏi cõi đời còn nặng nhiều duyên nợ này. Ra đi với nhiều nỗi băn khoăn: "Lời trăn trối dành cho các con, tôi sẽ hỏi: /Bố có phải người vô tội không con?".

Nhưng với những gì mà anh để lại, anh có thể yên lòng "hoá đá lặng câm" được rồi.

Vĩnh biệt anh!

NGUYỄN THỤY KHA - (Theo Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm