Vui trung thu với bệnh nhi COVID-19, mắt cay cay nhớ con ở nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mỗi năm, các em nhỏ rất mong đợi đến Tết trung thu để phá cỗ, rước lồng đèn, xem múa lân... Nhưng năm nay do dịch bệnh COVID-19, nhiều em nhỏ phải ở trong khu cách ly, khu điều trị do mắc COVID-19.

Trung thu đáng nhớ mùa COVID-19

Để mang niềm vui đến cho các em nhỏ, các bệnh viện điều trị COVID-19 tại TP.HCM đã tổ chức hoạt động vui trung thu và tặng quà cho các em.

Tối qua, tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương, 34 em nhỏ đang điều trị tại nơi đây đã được vui Đêm hội trăng rằm trong khuôn viên bệnh viện. Các y bác sĩ, tình nguyện viên trong bộ đồ bảo hộ kín mít liên tục pha trò, hướng dẫn các em nhảy trên nền nhạc sôi động.

Các bé hào hứng với các tiết mục tại đêm hội trăng rằm tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương. Ảnh: HL

Các bé hào hứng nhún nhảy theo, ánh mắt lấp lánh niềm vui khi nhận quà bánh và những chiếc lồng đèn hoạt hình có nhạc ngộ ngĩnh.

Các bé hào hứng nhảy theo điệu nhạc. Ảnh: HL

Đã 3 tháng nay, em Y chốt H’Long (13 tuổi, quê Đắk Lắk), người Ê đê bị kẹt lại TP.HCM chưa về nhà được. Hoàn cảnh khó khăn, em phải bỏ học và xuống thành phố phụ làm may. Y chốt H’Long cho biết đây là lần thứ 2 em có một chiếc lồng đèn trung thu, lần trước em được tặng lồng đèn đã rất lâu rồi. “Em rất nhớ cha mẹ và mong cho mau hết bệnh và dịch ổn để về nhà, hôm nay em rất là vui” - Y chốt H’Long chia sẻ.

Y Chốt H'Long khoe được nhận lồng đèn với người chị trong bệnh viện. Ảnh: HL

Nhìn hai con gái xúng xính với lồng đèn công chúa Elsa, chị Bích Thuận (sống ở quận Bình Thạnh) cho biết chị cùng hai con gái học lớp 5 và lớp 2 và mẹ chồng mắc bệnh phải vào bệnh viện điều trị. “Hàng ngày, các y bác sĩ có rất nhiều việc phải làm nhưng vẫn cố gắng tổ chức đêm hội trung thu cho các bé, tôi thấy rất cảm kích, đây có lẽ là đêm phá cỗ trung thu đáng nhớ nhất của các bé” - chị Thuận bày tỏ.

Các bé đều được quà và lồng đèn. Ảnh: HL

Cố gắng để bệnh nhi có đêm trung thu vui vẻ

BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương, cho biết mặc dù trong điều kiện dịch bệnh phức tạp nhưng bệnh viện vẫn cố gắng tổ chức cho các bé được đón một Tết Trung thu trọn vẹn, tốt nhất có thể. Khi nhìn thấy các bé vui cười rạng rỡ, tập thể y bác sĩ cũng quên những mệt nhọc.

"Đây là trách nhiệm của bệnh viện, chúng tôi vừa đóng vai trò là người thầy thuốc điều trị cho các bé, vừa trở thành các bậc phụ huynh giúp các bé tận hưởng một cái Tết Trung thu trọn vẹn" - BS Chiến chia sẻ.

Tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, nơi đang giành giật sự sống cho hàng trăm bệnh nhân, cũng có các em nhỏ. Em lớn nhất chừng 7 tuổi, nhỏ nhất mới có 8 tháng tuổi. 

Trong những ngày qua, có một số đơn vị cùng nhà hảo tâm đã gửi những phần quà ý nghĩa đến các em đang điều trị tại đây với mong muốn các em có được một Tết Trung thu đầy đủ nhất có thể trong điều kiện hiện tại.

Tuy ở xa hàng ngàn cây số, nhưng Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (có các đoàn viên tình nguyện đang tham gia điều trị) vẫn quan tâm và trao gửi các phần quà đến các em đang điều trị ở đây.

BS Dương Chí Lực tặng quà cho một em nhỏ mắc COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BSCC

"Nhìn các em tôi nhớ đến con mình ở nhà!"

BS Dương Chí Lực, đoàn công tác Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, chia sẻ lẽ ra giờ này không gian của các em là mái ấm gia đình, là không khí vui tươi dưới ánh trăng, nhộn nhịp trên phố phường, là những âm thanh náo nhiệt, những tiếng nhạc rộn ràng…

Nhưng thật trái ngược, không gian các em đang ở là một môi trường đầy nguy hiểm với dịch COVID-19, xung quanh các em là những người lớn bị bệnh nặng, âm thanh của các em bây giờ là tiếng “bíp bíp” đặc trưng của máy monitor, tiếng của máy thở, tiếng rên của người bệnh, tiếng bước chân vội vã của những thầy thuốc... 

Nụ cười hồn nhiên của các bé đã giúp các bác sĩ, điều dưỡng như được tiếp thêm sức mạnh, vững vàng hơn, vượt qua được nỗi mệt nhọc, khó khăn trong bộ đồ bảo hộ để tiếp tục đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người bệnh.

"Những em lớn hơn thì cảm nhận được sự khác biệt về mùa trung thu năm nay, còn các em nhỏ chừng 8 tháng tuổi thì thật sự hồn nhiên, vẫn ăn vẫn ngủ đều đặn, vẫn “hung dữ” khi bị “quấy rầy”, vẫn vui cười với bác sĩ và điều dưỡng mỗi khi được pha trò.

Nhìn các em tôi nhớ đến con của mình, ôm các em vào lòng tôi tưởng tượng như mình đang ôm đứa con bé bỏng đang chờ đợi mình ở nhà. Nỗi xúc động chợt ùa về làm mắt mình cay cay, bất giác tôi thì thầm tự nhủ: Hãy mạnh mẽ lên, chàng trai bé bỏng của ba, Sài Gòn hết dịch ba sẽ trở về!" - BS Lực chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm