'Đang cách ly y tế lại liên hoan, karaoke... dịch từ đó mà ra'

Chiều 7-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống dịch COVID-19.

Hai điểm nguy hiểm đợt dịch mới

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đợt nhiễm này có hai điểm nguy hiểm hơn so với các đợt trước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Thứ nhất là các ổ dịch ở Hà Nam, Yên Bái, Vĩnh Phúc và một số ca nhiễm Đà Nẵng chưa xác định được ngồn gốc lây nhiễm. Ở Hải Dương cũng có 1 ca nhiễm chưa rõ nguồn. "Ổ dịch tại Bệnh viện K cơ bản lây nhiễm từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhưng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương đến giờ này cũng chưa rõ nguồn lây. Có nghĩa là đã có nguồn bệnh trong cộng đồng” – ông Đam nói.

Thứ hai là nguồn lây bệnh xâm nhập từ bên ngoài với việc các nước láng giềng đang rất căng thẳng và chủng lần này là chủng Ấn Độ, lây lan rất nhanh, có nhiều khả năng mạnh hơn.

Chính vì thế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tinh thần chung lần này là rất quyết liệt, khởi động lại toàn bộ hệ thống phản ứng nhanh ở các cấp. Ở tỉnh thành nào chưa có thì lập Tổ COVID-19 cộng đồng.

“Tỉnh nào chưa có dịch thì phải hết sức cảnh giác, dịch có thể xuất hiện ở tỉnh mình bất cứ lúc nào chứ không phải chỉ ở tỉnh kia. Khi cả nước có dịch thì mình phải hết sức bình tĩnh, tránh cực đoan hoặc lơ là mất cảnh giác, tránh việc thấy tỉnh kia có dịch mà hoảng loạn” – ông Đam lưu ý.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý có ba nguyên tắc lớn cần nghiêm khắc thực hiện: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và cố gắng điều trị; khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang; nguyên tắc “4 tại chỗ”.

Trên ba nguyên tắc này, ông Vũ Đức Đam đánh giá nhiều địa phương làm chưa tốt. Vì thế, trong việc ngăn chặn nhập cảnh trái phép, ông yêu cầu cần phải nhờ nhân dân và cộng đồng để phát hiện nơi nào có người từ nước ngoài phải báo… “Chúng ta sẽ xử lý rất nghiêm nhập cảnh trái phép, đặc biệt là các tổ chức cho người nhập cảnh trái phép” – ông Đam nói.

Lỗ hổng quản lý người nhập cảnh hợp pháp

Ông Vũ Đức Đam cũng đánh giá việc quản lý người nhập cảnh hợp pháp thời gian qua không tốt, đặc biệt là quản lý các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh. “Đây là nguyên nhân gây ra đợt dịch. Tôi nói thẳng như thế” – ông Đam nói và cho biết thời gian qua có gần 20.000 chuyên gia và lao động kỹ thuật nước ngoài vào. Phần lớn họ cách ly ở khách sạn, nhưng kiểm tra cho thấy rất nhiều khách sạn thực hiện không nghiêm.

Thêm vào đó, người nhập cảnh cách ly xong đi về nơi làm việc vẫn nằm trong diện theo dõi y tế sau cách ly nhưng gần như buông lỏng hết.

“Lẽ ra họ đi đâu cũng phải có kế hoạch trước và tuân thủ. Tôi nói luôn kể cả người Việt Nam cách ly xong về theo dõi y tế cũng buông lỏng. Trong thời gian cách ly y tế mà còn đi liên hoan, karaoke… dịch từ đó mà ra” – ông Đam nói.

Lãnh đạo TP.HCM hôm 4-5 đi kiểm tra một nhà hàng ở quận 1 phát hiện một người Trung Quốc còn trong thời gian tự cách ly nhưng đi hát karaoke. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Theo ông Vũ Đức Đam, văn bản đã có cả nhưng các tỉnh thành làm không nghiêm. Xét cho chuyên gia nước ngoài vào thì tỉnh đề nghị. Đáng ra phải có kế hoạch khi cách ly xong về thì theo dõi y tế thế nào, điều này nhiều nơi làm không chặt chẽ.

“Cứ cơ quan lao động, công nghiệp đề nghị là quên. Ngành y tế, công an, quân đội cũng không có phương án sẵn sàng, nhiều người làm trên giấy. Cách ly xong không bàn giao giữa nơi cách ly và nơi tiếp nhận” – ông Đam nói và cho biết từ nay sẽ siết lại việc này. Cùng đó, ông yêu cầu các tỉnh vừa rồi xảy ra việc này kiểm điểm trách nhiệm các doanh nghiệp trên địa bàn.

 Phó Thủ tướng phê bình 11 tỉnh vì chưa có máy xét nghiệm, gồm: Hà Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Thời gian tới, ông đề nghị toàn bộ người dân kết thúc cách ly tập trung cần được bàn giao cho Tổ dân phố nơi sinh sống, người lao động cần được bàn giao cho doanh nghiệp, cơ quan trực thuộc. Chính quyền, ngành y, cơ quan, doanh nghiệp cần kiểm tra lại trách nhiệm của mình, không thể để tình trạng lỏng lẻo như vừa qua.
Ngoài ra, ông yêu cầu tất cả khu cách ly tại khách sạn và trực thuộc quân đội phải lắp đặt camera giám sát. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 sẽ thành lập một tổ giám sát trực tiếp qua hình ảnh từ các khu cách ly. Khi có vi phạm xảy ra tại khu cách ly, chính quyền địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm.
"Chúng ta cần cân bằng giữa phát triển kinh tế và chống dịch, tất nhiên nghiêng về phía phòng, chống dịch an toàn nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu khoanh vùng rộng, giãn cách, cách ly xã hội sẽ gây thiệt hại cao hơn" - ông Đam nói.
Ông Vũ Đức Đam cũng lưu ý khi một tỉnh, thành muốn thực hiện giãn cách xã hội cần trao đổi với các địa phương xung quanh để tránh ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế - xã hội. "Việc phòng, chống dịch là trách nhiệm của địa phương, nhưng phải thể hiện được bản lĩnh. Tinh thần là cố gắng khoanh gọn, chỉ khoanh rộng khi chưa xác định rõ địa điểm" - ông Đam nói.
Ông Đam nói: "Đây không phải lúc truy cứu trách nhiệm của nhau nhưng một số ca nhiễm đã xuất hiện trong đội ngũ y tế tại một số bệnh viện lớn. Điều này có một phần liên quan đến trách nhiệm của chúng ta, đề nghị Bộ Y tế quán triệt lực lượng ngành y từ lãnh đạo đến cấp dưới cần gương mẫu trong công tác phòng chống dịch" - ông Đam nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm