Dây vào tín dụng đen, khó có đường thoát

Thượng tá Phạm Đình Ngọc, Phó Trưởng phòng PC02 Công an TP.HCM, cho biết thời gian qua các trinh sát Đội Hình sự Công an TP phát hiện một cửa hàng ở quận 10 có hoạt động cho vay lãi nặng. Khách hàng của đường dây này khá đông, chủ yếu là người lao động nghèo, phải đóng lãi rất cao. Tuy vậy, phá đường dây tín dụng đen (TDĐ) này không dễ bởi chúng có nhiều phương thức thu nợ và liên lạc với con nợ qua các phương tiện công nghệ cao, lực lượng chức năng khó tìm ra được chứng cứ để xử lý. Phải dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an mới phá được đường dây TDĐ này. Theo Thượng tá Phạm Đình Ngọc, hoạt động TDĐ trên địa bàn TP đang diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Riêng sáu tháng đầu năm, công an đã bắt trên 1.000 đối tượng cho vay lãi nặng trên địa bàn TP.

Đó là một trong những ý kiến được nêu ra tại hội thảo chuyên đề “Nhận diện và giải pháp phòng ngừa, đẩy lùi tệ nạn TDĐ trên địa bàn TP.HCM”. Hội thảo do Ban chỉ đạo chương trình phối hợp 478 và Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM tổ chức ngày 5-11.

Có tiền chưa chắc trả xong

Ông Nguyễn Văn Hải (Trưởng Ban công tác mặt trận khu phố 11, phường 3, quận Gò Vấp) cho biết từ đầu năm đến nay khu phố của ông đã xảy ra bốn vụ đòi nợ theo kiểu xã hội đen, băng đòi nợ kéo tới một số khu nhà trọ đập phá tài sản, gây rối khiến bà con khá bất an. Ngay cả cán bộ khu phố cũng bị những kẻ đòi nợ nhắn tin hăm dọa. Những người này đều từ địa phương khác đến. Ông Hải nói: “Một số thanh niên không có việc làm dễ tham gia các đường dây này để vay nợ hoặc để đòi nợ mướn. Tôi cũng lo lắng là một số công ty tài chính, có tư cách pháp nhân đàng hoàng nhưng lại hoạt động cho vay theo kiểu xã hội đen…”.

Các đại biểu hiến kế chặn tín dụng đen. Ảnh: H.MINH

Thượng tá Phạm Đình Ngọc cho biết những kẻ hoạt động TDĐ thường có vỏ bọc hợp pháp là các công ty tài chính, cầm đồ, dịch vụ đòi nợ thuê... Các công ty này quảng cáo rầm rộ bằng tờ rơi hoặc trên các nền tảng công nghệ. Điều kiện được cho vay quá dễ dàng, không ràng buộc. Nhưng một khi cầm tiền của TDĐ, khách hàng phải trả lãi suất rất cao, 100%-300% mỗi năm, thậm chí có nơi cho vay với lãi suất đến…700%. Khi con nợ không trả nổi bỏ trốn, chúng sẽ khủng bố người thân, bạn bè cho đến khi con nợ lộ diện để trả nợ tiếp mới thôi.

Nhiều trường hợp người vay có đủ tiền đem trả, những kẻ cho vay sẽ tìm cách kéo dài, trì hoãn, tìm cớ không gặp hoặc tạo ra các tình huống khiến người vay phải… mắc nợ lâu dài.

Trong giai đoạn 2015-2018, Việt Nam đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan đến TDĐ, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản. 

Hiến kế xóa tín dụng đen

Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Gò Vấp, cho biết có hai chị là hội viên của hội vay tiền của TDĐ, phải trả lãi rất cao. Nắm tình hình, hội đã huy động một số nguồn vốn để hai hội viên này trả dứt điểm cho TDĐ. Sau đó hai chị được giới thiệu vay vốn từ ngân hàng chính sách để giải quyết khó khăn. Bà Duyên cho rằng nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, từ các quỹ hỗ trợ người nghèo sẽ giúp đẩy lùi nạn TDĐ đang hoành hành.

Nhiều đại biểu dự hội thảo đồng tình với nhận định của bà Duyên. Tuy nhiên, theo bà Kim Loan, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 12, các thủ tục vay vốn hiện còn kéo dài và trình tự giải quyết còn phức tạp khiến nhiều chị em tìm đến các đường dây hụi hoặc vay TDĐ cho đỡ mất thời gian. Bà Kim Loan nói: “Cần rút ngắn thời gian giải ngân và tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tiếp cận nguồn vay dễ hơn”.

Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó Chủ tịch MTTQ phường 10, quận Phú Nhuận) trăn trở: “Hiện nay ngân hàng chính sách có quy định không giải quyết cho các đối tượng sau đây vay vốn: Người độc thân không có tài sản thế chấp, người nghiện, người có tiền án. Trong khi các đối tượng này cũng rất cần vốn để làm ăn. Không có cách nào giúp họ tiếp cận nguồn vay an toàn thì họ lại phải đi vay TDĐ hoặc tham gia luôn vào đường dây đó”.

Một trong những đề xuất được các đại biểu rất hoan nghênh đến từ Hội Cựu chiến binh quận Bình Tân. Bà Trần Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch hội, cho biết hội đã ra văn bản chỉ đạo các hội cựu chiến binh phường và các chi hội nếu để hội viên bị dính vào TDĐ thì các chi hội sẽ bị chế tài. Nhờ đó mà công tác giáo dục, tuyên truyền được làm rất bài bản và các cựu chiến binh có nhu cầu vốn đều được hướng dẫn tiếp cận các nguồn vay an toàn.

Cần cơ chế bảo vệ người dân

Hệ thống Mặt trận và các hội, đoàn thể cần nhận diện được nhu cầu vay vốn của người dân cũng như các phương thức, thủ đoạn của hoạt động TDĐ. Từ đó chúng ta phải có giải pháp thích hợp để vận động, tuyên truyền cho người dân. Chúng ta cũng cần tạo được niềm tin cho nhân dân để họ sẵn sàng tố giác tội phạm và công an phải có cơ chế để bảo vệ an toàn cho người dân, kể cả người trong cuộc đang vay tiền. Chúng tôi sẽ giám sát các vấn đề này.

Bà TRIỆU LỆ KHÁNH, Phó Chủ tịchỦy ban MTTQ TP.HCM, 
Trưởng Ban chỉ đạo phối hợp 478
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm