Trinh sát từng 2 lần báo cáo về đường dây đánh bạc ngàn tỉ

Như đã đưa tin, VKSND tỉnh Phú Thọ hoàn tất bản cáo trạng truy tố bị can Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu thiếu tướng, cục trưởng C50) cùng 90 bị can trong vụ án liên quan đến đường dây đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ.

Các bị can Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Thanh Hóa và Phan Sào Nam (từ trái qua).

Các bị can bị VKS truy tố với sáu tội danh khác nhau: tổ chức đánh bạc; đánh bạc; mua bán trái phép hóa đơn; rửa tiền; sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong số này, ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 2 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt tối đa 10 năm tù.

Theo cáo trạng, quá trình hình thành và phát triển hệ thống game bài trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Hóa từng ký một bản ghi nhớ về hợp tác kinh doanh với Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC).

Bản ghi nhớ này có nội dung rằng Công ty CNC phải báo cáo C50 về các hoạt động kinh doanh, tài chính theo định kỳ. Lợi nhuận thu được sau khi trừ các chi phí hoạt động của công ty sẽ được phân phối theo tỉ lệ: Công ty CNC hưởng 80%, Cục C50 hưởng 20%.

Sau đó Nguyễn Văn Dương ký một tờ trình gửi C50 và Cục Chính trị hậu cần (Tổng cục Cảnh sát), đề xuất được sử dụng trụ sở tại số 10 Hồ Giám (Đống Đa, Hà Nội) và Công ty CNC được sử dụng trụ sở nói trên từ tháng 10-2012 đến hết tháng 3-2017 và đã trả cho Tổng cục Cảnh sát số tiền hơn 1,8 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trong quá trình vận hành khai thác cổng thanh toán game bài RikVip, ngày 2-6-2015, ông Đoàn Trọng Tài - trinh sát Đội 3, Phòng PC50 Công an TP Hà Nội có báo cáo gửi lãnh đạo Phòng và Ban chỉ huy Đội 3 “về việc phát hiện game bài trực tuyến có tên RikVip do Công ty Truyền thông kỹ thuật số VTC thiết lập, hoạt động có dấu hiệu kinh doanh trái phép và đề xuất các biện pháp xác minh”.

Báo cáo này được trưởng và phó Phòng PC50, đội trưởng và đội phó Đội 3 phê duyệt. Ngày 31-8-2015, PC50 Hà Nội đã triệu tập Hoàng Thành Trung (phó giám đốc) và Phạm Trọng Tài (nhân viên công ty Việt Nam) đến làm việc. Tại đây, hai người thừa nhận hành vi vận hành game bài RikVip cho Nguyễn Văn Dương là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, đến ngày 3-9-2015, ông Đoàn Trọng Tài tiếp tục có báo cáo tới lãnh đạo PC50 và Đội 3 về việc trò chơi trực tuyến RikVIp do Công ty CNC phát hành. Qua trinh sát xác minh xác định: Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ cao có địa chỉ tại số 10 Hồ Giám (Đống Đa, Hà Nội) là đơn vị nghiệp vụ của Cục C50 - Bộ Công an. Tại trụ sở công ty có một phòng làm việc treo biển hiệu ghi “Bộ Công an - Cục C50, phòng làm việc của Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng”.

Do đó, ông Tài đề xuất dừng xác minh về hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến RikVip với lý do việc xác minh về hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động nghiệp vụ của cơ quan cấp trên, có thể gây ảnh hưởng về mặt chính trị của lực lượng.

Cùng ngày, báo cáo đề xuất được lãnh đạo PC50 cũng như Đội 3 phê duyệt đồng ý.

Đường dây tổ chức đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam (chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty Cổ phần VTC truyền thông trực tuyến - VTC online) và Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) cầm đầu. Đường dây này gồm 25 đại lý cấp 1; 5.877 đại lý cấp 2 và gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc; doanh thu tổ chức đánh bạc lên tới gần 10.000 tỉ đồng.

Sau khi chi trả thưởng cho đối tượng đánh bạc, chi phí quản lý, trả lương và nộp thuế của các công ty vận hành, các cá nhân được hưởng lợi hơn 4.700 tỉ đồng. Trong đó, Phan Sào Nam hưởng lợi gần 1.500 tỉ đồng, Nguyễn Văn Dương hưởng lợi hơn 1.600 tỉ đồng.

Đến nay cơ quan điều tra đã tạm giữ, kê biên của các bị can và những người có liên quan hơn 1.300 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm