Không an tâm với đường băng hỏng

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị nâng cấp đường cất/hạ cánh 25R/07L tại sân bay Tân Sơn Nhất và đường băng 1B tại sân bay Nội Bài do hai đường băng ở hai sân bay lớn nhất cả nước đang bị hư hỏng.

Số liệu phân tích tình hình cất/hạ cánh của ACV cho thấy: Từ năm 2013, đường băng 25R/07L tại sân bay Tân Sơn Nhất đã sửa chữa, đảm bảo tiêu chuẩn khai thác máy bay lớn như B777 - 300 ER hoặc tương đương với tần suất hoạt động 55.100 lần cất/hạ cánh trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, trong vòng năm năm gần đây tần suất khai thác của đường băng này đã đạt hơn 126.000 lần cất/hạ cánh, vượt thiết kế rất nhiều lần.

Chung tình cảnh, đường băng 1B tại cảng hàng không Nội Bài được đưa vào khai thác năm 2003 với thiết kế đảm bảo khai thác máy bay B747-400 với khoảng 10.500 lượt cất/hạ cánh trong 20 năm. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4-2018, tổng số lần cất/hạ cánh tại đường băng này đã đạt 284.200 lần!

Số lượng khách tăng, tần suất bay tại sân bay Tân Sơn Nhất vượt thiết kế nhiều lần khiến đường băng mau hư hỏng. Ảnh: AN NHIÊN

Với tần suất hoạt động vượt nhiều lần thiết kế, các đường băng ở hai sân bay này sớm bị hư hỏng, mặt đường bong tróc ảnh hưởng đến hoạt động cất/hạ cánh các chuyến bay quốc tế và nội địa.

Một lãnh đạo của cảng hàng không Tân Sơn Nhất nói với PV Pháp Luật TP.HCM đường băng sân bay luôn được kiểm tra định kỳ, theo tiêu chuẩn quốc tế và an toàn hàng không phải được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, khi đã có đánh giá đường băng bị hư hỏng thì phương án nâng cấp, sửa chữa là công việc phải làm. “Việc nâng cấp đường băng để bảo đảm an toàn cất/hạ cánh cho các loại máy bay là cần thiết vì tần suất bay tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất thời gian tới sẽ rất cao” - vị này nhấn mạnh.

Tuy nhiên, phương án nâng cấp đường băng sẽ tác động đến nhiều vấn đề bao gồm hoạt động khai thác bay, sắp xếp lại lịch bay để không gây xáo trộn việc điều hành và ảnh hưởng khách đi lại. Do vậy việc triển khai sửa chữa tại thời điểm này là thích hợp, hạn chế ảnh hưởng tần suất các chuyến bay và việc đi lại của hành khách. “Thực tế đã có đợt cải tạo năm 2013 tại đường băng này nên việc nâng cấp lần này có thể triển khai bình thường mà ít ảnh hưởng đến hành khách” - vị này chia sẻ.

Cũng theo vị lãnh đạo này, nên triển khai nâng cấp đường băng của hai sân bay cùng lúc để giảm áp lực đều ở cả hai sân bay. “Thời điểm thích hợp nhất để triển khai nâng cấp là lúc thấp điểm khách đi lại sau dịp hè. Cụ thể là sau tháng 9 và kết thúc vào cuối năm để phục vụ mùa cao điểm khách đi lại nhiều dịp Tết” - ông nói.

Tuy nhiên, một chuyên gia lĩnh vực đầu tư, quản lý vốn tại các cảng hàng không, sân bay trong nước cho rằng hàng không là ngành đặc thù, có nhiều đơn vị quản lý và khai thác tại sân bay. Bởi vậy việc sửa chữa các đường băng này đang gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế về bố trí nguồn vốn, chưa kể việc sửa chữa sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động bay tại các cảng hàng không này.

Đại diện ACV cho rằng cần có cơ chế bố trí vốn để nâng cấp hai đường băng vì khu vực bay thuộc Nhà nước quản lý, còn ACV đã cổ phần. “Nếu sử dụng vốn từ doanh nghiệp thì sau này nếu áp dụng thu vào dịch vụ khiến giá vé máy bay tăng, khách hàng phản ứng nên cũng cần tính toán căn cơ” - vị này chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm