Ngày mai chính thức thu phí BOT tuyến đường tỉnh ở Long An

Sáng 16-6, UBND tỉnh Long An thông tin: Từ 0 giờ sáng mai (17-6) chính thức  tổ chức thu phí BOT tuyến tỉnh lộ ĐT 830-824. Đây là tuyến tỉnh lộ đầu tiên ở tỉnh Long An thực hiện thu phí BOT. 

Trạm thu giá tỉnh lộ 830-824 đặt ở Bến Lức, chính thức thu phí từ sáng mai (17-6). Theo UBND tỉnh Long An, đến nay tỉnh đã thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp nằm trong vùng ảnh hưởng đã nhận thức được lợi ích kinh tế, xã hội mà tuyến đường mới mang lại và đồng thuận với chủ trương thu phí.

Theo phương án được thống nhất, giá vé qua trạm trong khoảng từ 25.000  đến 165.000 đồng tùy vào tải trọng xe. Xe đi qua hai trạm trên cùng hướng trong cùng ngày chỉ trả tiền cho một lần mua vé. Giá vé tháng từ 750.000 đến 4.950.000 đồng, vé quý từ 2.025.000 đến 13.365.000 đồng. Bên cạnh đó, phương tiện kinh doanh có chủ sở hữu nằm trong các xã An Thạnh, Lương Hòa, Lương Bình, Tân Hòa (huyện Bến Lức) và xã Hựu Thạnh (huyện Đức Hòa) nếu mua vé tháng và vé quý sẽ được giảm 20%. Các phương tiện từ 30 ghế trở xuống của chủ sở hữu trong phạm vi hai trạm thu phí sẽ được miễn phí.

 Theo ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Băng Dương (người đứng), đại diện cho liên danh nhà đầu tư BOT tuyến đường, với các doanh nghiệp trong vùng dự án thì nên mua vé tháng vì trạm thu giá BOT chỉ thu một lần với xe qua trạm nhiều lần trong một ngày, một lần qua trạm của xe vé tháng được giảm 20% so với vé thường. "Doanh nghiệp BOT chúng tôi luôn đồng hành với nhà xe, doanh nghiệp vận tải và các đơn vị kinh tế trong vùng. Chúng tôi không đợi xe ùn ứ từ 700 m đến 1 km mới xả trạm mà ngay khi có dấu hiệu ùn là sẽ xả trạm. Nhà đầu tư cam kết sẽ thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên tuyến đường một cách kịp thời và miễn phí hoàn toàn cho tất cả phương tiện, người dân đi trên đường" - ông Cường cam kết.

Dự án làm mới, mở rộng tuyến ĐT 830 bắt đầu từ ngã ba thị trấn Đức Hòa đi Hậu Nghĩa hoặc Bến Lức. Đây cũng là điểm kết nối của tuyến tỉnh lộ ĐT 825 vào đường Trần Văn Giàu (tỉnh lộ 10) của TP.HCM. Việc làm mới, mở rộng tuyến tỉnh lộ ĐT 830 còn nhằm kết nối các khu công nghiệp của tỉnh Long An với TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Điểm cuối của dự án mở rộng tỉnh lộ ĐT 830 giáp với cầu An Thạnh, thị trấn Bến Lức. Tuyến đường mới dài 22 km được làm trên nền hướng tuyến của tuyến đường cũ nhưng được mở rộng ra tới 17 m cho bốn làn xe lưu thông hai chiều, thay cho đường cũ chỉ rộng 7-10 m.

Trên tuyến có tám cầu cũ chỉ rộng 7-8 m với tải trọng dưới 10 tấn, nay được mở rộng lên gấp đôi để đồng bộ với chiều rộng mặt đường và tải trọng là không hạn chế. Trong ảnh: Cầu An Hạ trước chỉ dưới 10 tấn, nay không hạn chế tải trọng sau khi được làm mới, nâng cấp, mở rộng.

Tuyến tỉnh lộ ĐT 830 mới sẽ giúp hàng hóa của 30 khu, cụm công nghiệp nằm dọc tuyến lưu thông thuận lợi bằng xe container, xe tải lớn đi về hướng quốc lộ 1A, cao tốc Trung Lương hoặc về hướng TP.HCM qua đường Trần Văn Giàu.

Theo ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, từ Đức Hòa về Bến Lức và ngược lại không chỉ có tuyến ĐT 830 sẽ thu phí BOT mà còn có tuyến ĐT 816 chạy song song, cách tuyến ĐT 830  khoảng 1-2 km đường chim bay và theo dọc sông Vàm Cỏ. "Tuyến ĐT 830 không phải tuyến độc đạo. Người dân, doanh nghiệp có thể chọn đi bằng tuyến ĐT 816. Tuyến ĐT 816 hiện chỉ rộng từ 5,5 đến 7 m và các cầu trên tuyến chỉ cho phép xe dưới 8 tấn đi qua. Hiện tỉnh đang nghiên cứu tìm nguồn kinh phí để mở rộng, nâng cấp tuyến ĐT 816" - ông Học cung cấp thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm