Tôi liền hỏi ngược lại em rằng em đã đọc cuốn sách nào chưa thì em này nói chưa, em không đọc cuốn sách nào hết, ngoại trừ sách giải bài tập.
Trong một khảo sát nhỏ của một HS lớp 12 ở Trường THPT Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long trên 15 HS ngẫu nhiên với câu hỏi: “Trong ba năm học cấp 3, bạn đã đọc bao nhiêu cuốn sách?”, em này đã thu được kết quả rằng 67% HS trả lời không đọc cuốn nào, 13% đọc một cuốn, 20% đọc hai cuốn trở lên.
Từ những tình huống đó, tôi hiểu được vì sao các giáo viên dạy môn ngữ văn thường phải than phiền rằng HS không thích học văn, nghĩ đến văn là sợ, viết thì dài nhưng không được nhiêu điểm. Đa phần HS không đọc và tìm hiểu tác phẩm trước khi đến lớp, giáo viên và HS đang thiếu khoảng trống để thảo luận lẫn nhau. Đó cũng là cơ sở khiến không ít HS hiện nay có năng lực diễn đạt yếu, thiếu tự tin.
Nguyên nhân là gì, phải chăng chính chúng ta chưa thôi thúc được các em tinh thần tự học và tự đọc. Để khắc phục vấn đề này, đổi mới chương trình, đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp giảng dạy là điều tất yếu mà Bộ GD&ĐT đang và sẽ làm. Nó sẽ làm giảm tính xơ cứng về nội dung khiến cả thầy lẫn trò đều ngán như hiện nay.
Đó là việc cần thiết nhưng sẽ chưa đầy đủ nếu chúng ta “quên” mất giải pháp xuất phát từ chính HS. HS cũng phải tìm tòi tài liệu từ các nguồn để tương tác với GV, cả hai cùng chiếm lĩnh kiến thức chứ không chỉ lệ thuộc kiến thức của một người thầy. Lâu nay chúng ta lúc nào cũng đề cao người thầy, cái gì thầy nói cũng đúng, trò không biết gì cứ hỏi thầy. Chúng ta cần xóa bỏ quan điểm rằng chỉ có thầy cô mới có thể giảng bài được vì có khi qua thời gian vốn kiến thức đó cũng bị bào mòn, thiếu thực tế, tính toán nhầm cũng có thể sai.
Vì vậy để dạy một bài học, ngoài việc tự tìm tòi, giáo viên cũng phải là người hướng dẫn HS nghiên cứu bài học, đọc sách hiệu quả bằng cách giao nhiệm vụ cho HS như tìm tài liệu, chia nhóm, chuẩn bị máy móc, trình diễn tham luận như một người đứng giảng bài… HS có thể nói ra những gì mình nghĩ, mình cảm từ một vấn đề và thầy cô sẽ là người lắng nghe, bổ sung và đánh giá, các em ở dưới lớp cũng có thể góp ý, chia sẻ.
Thực tế chúng tôi đã áp dụng qua cách khuyến khích bằng điểm hoặc lời khen của thầy cô, có rất nhiều HS đã làm được, có em còn trình bày tốt hơn chính thầy cô. Kết quả là gì, HS thích thú hơn, tiếp cận được muôn vàn kiến thức, diễn đạt tốt hơn, tự tin và năng động hơn.
Không chỉ nâng chất tiết học, thầy trò còn có thể giới thiệu, chia sẻ với nhau những cuốn sách, thông tin hay để cùng đọc và cảm thụ, xóa dần tình trạng khoảng cách với sách ngay từ những cách học, tiết học không quá khó như thế.
HUỲNH VĂN THẾ, giáo viên dạy văn Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long