Thu tiền tác quyền âm nhạc qua tivi là đúng!

Xoay quanh việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thông báo tái thu tiền tác quyền âm nhạc tại các phòng lưu trú khách sạn có sử dụng tivi, dư luận có nhiều phản ứng, hầu hết là không chấp nhận việc thu phí này.

Dùng sách, nhạc, phim… vào kinh doanh

Thế nhưng hãy bình tĩnh phân tích Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), xem khách sạn có quyền mở các chương trình truyền hình cho việc kinh doanh khách sạn của mình hay không.

Bắt đầu ở cấp độ dễ chấp nhận hơn. Một cuốn sách, một đĩa nhạc, một đĩa phim… được bán ra, tác giả đã được trả tác quyền. Thế nhưng người mua cuốn sách, đĩa nhạc, đĩa phim chỉ có quyền xem, nghe, tặng cho… Mua một cuốn sách, đĩa nhạc không bao gồm quyền được kinh doanh trên cuốn sách hay đĩa nhạc, phim đó. Ví dụ, sao chép ra cuốn sách khác, sao chép đĩa nhạc khác đem đi bán là hành vi vi phạm. Người mua đĩa nhạc mở đĩa nhạc để phục vụ khách hát karaoke, mở nhạc cho khách nghe trong kinh doanh nhà hàng, cà phê… thì phải trả thêm tiền tác quyền âm nhạc.

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội SHTT TP.HCM, Trưởng Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, cho biết Điều 28 Luật SHTT quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Trong đó có hành vi “sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác”. Ngoài ra còn có hành vi “truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả”…

Trong trường hợp người trả tiền sử dụng dịch vụ truyền hình, cũng như trả tiền mua sách hay đĩa nhạc, thực chất đó là trả tiền để sử dụng vào mục đích cá nhân, gia đình. Các khách sạn dùng tivi, dùng dịch vụ truyền hình này phục vụ vào mục đích kinh doanh khách sạn, lắp đặt tivi để cho khách xem là “biểu diễn trước công chúng. Sử dụng dịch vụ như vậy là không đúng mục đích, không được phép” - luật sư Tuấn phân tích.

Việc thu tiền tác quyền âm nhạc đối với tivi trong khách sạn, nhà nghỉ là đúng với Luật SHTT  cũng như các điều ước quốc tế. Ảnh: TL

Phải xin phép và trả tiền

Vậy ai có quyền cho phép phát đi các chương trình truyền hình, âm nhạc nhằm mục đích kinh doanh?

Theo luật sư Tuấn, Điều 20 Luật SHTT quy định về quyền tài sản. Bao gồm các quyền như biểu diễn, truyền đạt tác phẩm đến công chúng “bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác”… Các quyền tài sản này do “tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện”.

Cũng Điều 20 quy định tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản này… “phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”. Như vậy, nghĩa vụ của các đơn vị dùng chương trình truyền hình, âm nhạc vào việc kinh doanh là phải xin phép và trả tiền (ngoài tiền đã trả cho dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh…), luật sư Tuấn khẳng định.

Với căn cứ pháp lý như trên, vấn đề thu tiền tác quyền sẽ còn mở rộng hơn nữa chứ không dừng ở tác quyền âm nhạc! Sắp tới đây các đơn vị sản xuất chương trình truyền hình, game show, phim… cũng sẽ đặt vấn đề thu tiền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan đối với các chương trình truyền hình mà khách sạn phục vụ kinh doanh.

VCPMC thu tiền có đúng chưa?

Trong văn bản phát đi ngày 11-9, VCPMC khẳng định áp dụng Điều 20 Luật SHTT. VCPMC cũng viện dẫn thêm Điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP, theo đó “quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” bao gồm việc biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được, ngoại trừ tại gia đình.

Theo VCPMC, “đại đa số các kênh truyền hình Việt Nam đều đã ký kết hợp đồng sử dụng tác phẩm với trung tâm và hằng năm kê khai danh mục tác phẩm âm nhạc mà các kênh truyền hình đã sử dụng để trung tâm đối soát làm cơ sở phân phối cho các tác giả”.

Tuy nhiên, không phải chỉ dựa vào điều luật là đủ để VCPMC thu tiền. Xoay quanh việc thu tiền còn rất nhiều vấn đề mà VCPMC phải tuân thủ mới có thể thu mà không bị “bắt giò”. Cụ thể như hoạt động thu theo đúng điều lệ của VCPMC, những ai ủy quyền cho VCPMC thu, mức thu bao nhiêu, mức chi bao nhiêu…

Ông Đỗ Khắc Chiến, chuyên gia SHTT, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng bất cập hiện nay là “nhiều khách sạn sử dụng tác phẩm âm nhạc không hiểu hoặc cố tình không hiểu việc sử dụng tác phẩm âm nhạc phải tuân thủ các quy định của Luật SHTT, trước hết là quy định về quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả tại Điều 20 Luật SHTT”. Nếu phía khách sạn không có căn cứ để bác bỏ yêu cầu của VCPMC thì có thể phải đối diện với nguy cơ vụ việc được đưa ra xử lý trước cơ quan có thẩm quyền hoặc tòa án. Để giảm nhẹ tốn phí hoặc thiệt hại, phía khách sạn có thể chủ động thương lượng với VCPMC một giải pháp hợp lý, trên tinh thần tôn trọng pháp luật và thiện chí”.

Ông cũng cho rằng: “Cục Bản quyền tác giả cần có tuyên bố hoặc thông báo công khai về cơ sở pháp luật của việc VCPMC yêu cầu khách sạn trả tiền để giải tỏa tình trạng không rõ ràng hiện nay… Ý kiến và biện pháp mà Cục đã đưa ra chắc chắn có tác động tới quá trình xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả trong vụ việc đang được đề cập. Đồng thời Cục cần đưa ra phương án xử lý những thiệt hại mà chủ sở hữu quyền tác giả phải gánh chịu do yêu cầu VCPMC tạm dừng thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc gây ra nếu yêu cầu tạm dừng không đúng quy định của pháp luật”.

Cục Bản quyền tác giả tán thành việc thu tiền bản quyền

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT&DL), để lắng nghe quan điểm của Cục. Tuy nhiên, ông Hùng cáo bận vì đang họp. Trước đó, vào ngày 25-5, Bộ VH-TT&DL họp về vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc khi mở tivi tại các khách sạn ở Đà Nẵng. Tại đây, ông Bùi Nguyên Hùng tán thành với việc thu tiền tác quyền. Theo ông, việc làm này đúng với Luật SHTT cũng như các điều ước quốc tế.

Tuy nhiên, ông Hùng đề nghị trung tâm phải thực hiện theo đúng quy trình, đúng pháp luật và phải có lộ trình phù hợp đối với từng hình thức khai thác sử dụng âm nhạc để bảo vệ quyền lợi tác giả, quyền lợi bên khai thác sử dụng và lợi ích hưởng thụ của công chúng.

“Đây là tài sản dân sự, do vậy chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan tự xây dựng biểu mức tiền bản quyền và thỏa thuận với bên khai thác sử dụng. Không phải tống đạt công văn tới yêu cầu mà phải truyền thông, mời toàn bộ cơ sở khách sạn đến và đưa ra biểu giá để nghiên cứu. Quá trình nghiên cứu phải có sự đồng thuận cả hai bên. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì áp dụng theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện ra tòa án để giải quyết” - ông Hùng nói.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm