Bệnh nhân người nước ngoài chây ỳ bám bệnh viện

Ngoài công tác điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM đang rất đau đầu với những trường hợp bệnh nhân người nước ngoài liên tục vào BV gây khó khăn, điều trị không trả tiền, bất hợp tác với điều dưỡng.

Đòi ăn đồ Tây, uống sữa!

Theo quy định, ngoại trừ các BV được cấp phép khám chữa bệnh cho người nước ngoài như Chợ Rẫy, Thống Nhất tại TP.HCM và các BV tư, các BV còn lại chỉ tiếp nhận bệnh nhân người nước ngoài trong các trường hợp cấp cứu.

Từ thực tế này, hiện nay các bệnh nhân người nước ngoài khi có bệnh, tai nạn hay cần điều trị đều tập trung vào BV Chợ Rẫy TP.HCM, gây không ít khó khăn cho các bác sĩ. Nhiều trường hợp bệnh nhân người nước ngoài đến cấp cứu, người thân đến yêu cầu, đòi hỏi bác sĩ, hạch sách đủ điều; không thỏa mãn họ lại gây rối, chửi bới. Còn nhiều trường hợp người bệnh vào BV một mình, không người thân thiết, vào BV điều trị cả tháng trời không trả viện phí, tử vong BV cũng phải bỏ tiền hỏa táng này nọ…

BS Trần Tuấn Khương, khoa Cấp cứu, BV Chợ Rẫy, cho biết lãnh đạo BV đang không biết làm cách nào với bệnh nhân Michaels (sinh năm 1948, quốc tịch Đức) kiên quyết ở BV, không chịu xuất viện dù đã được chữa hết bệnh.

Bệnh nhân này vào BV lần đầu từ ngày 11 đến 16-5 vì tắc động mạch đùi, sưng phù nề hai bên chân, bác sĩ đã phẫu thuật cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái và cho bệnh nhân xuất viện. Sau đó bệnh nhân này tiếp tục vào điều trị thêm hai lần nữa. Sau khi kiểm tra, nhận thấy tình trạng bệnh nhân ổn, BV cho về nhưng bệnh nhân không về. Xin địa chỉ khách sạn, chỗ ở, thuê taxi đưa về nhưng rồi bệnh nhân vẫn tiếp tục quay lại.

Ông Michaels, quốc tịch Đức, đang nằm lì tại khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy, không chịu về. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

“Những lần sau này BV thuê taxi, cho tiền đưa về nhưng khách sạn cũng không nhận nữa vì người này đã hết tiền. Đến lần này là lần thứ bảy, bệnh nhân nhập viện nhưng không trả tiền viện phí. Thậm chí người này còn gây khó khăn, chỉ thích ăn đồ Tây, ăn bơ, bò bít tết, uống sữa. Ông này nằm BV rất sang, có iPad, dùng WiFi chơi như nghỉ dưỡng, thế nhưng BV chúng tôi không có cách nào giải quyết vì không thể đuổi bệnh nhân của mình ra đường và bây giờ người này vẫn nằm ở khoa Cấp cứu trong khi tình trạng quá tải rất nhiều” - BS Khương nói.

Trường hợp ông Michaels không phải là cá biệt, hiện BV Chợ Rẫy vẫn đang điều trị cho ông Samwen, sinh năm 1948, quốc tịch Mỹ. Người này nhập viện vì người dân thấy gục bên đường, vào BV không giấy tờ tùy thân, chỉ có duy nhất quyển passport trong người, không thân nhân và không tiền bạc. “Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị sỏi túi mật, tổn thương ruột non. Một thân một mình ở BV nhưng lại rất bất hợp tác, muốn chăm sóc cho người này phải mất 3-4 điều dưỡng. Cho uống thuốc, truyền dịch đã khó khăn, điều dưỡng còn phải làm nhiệm vụ thay tã, vệ sinh cá nhân cho những người này” - điều dưỡng Nguyễn Phương Đài, khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Chợ Rẫy, nói.

Quỵt hơn 800 triệu đồng viện phí

Theo BS Nguyễn Hữu Long, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, BV đang gặp khó khăn là tất cả bệnh nhân người nước ngoài từ Khánh Hòa đến Cà Mau khi có bệnh đều chuyển vào BV Chợ Rẫy, đều trong tình trạng cấp cứu hoặc ở tuyến cuối. Họ đều cần mổ, hỗ trợ cấp cứu, thời gian hậu phẫu và điều trị kéo dài nhưng nhiều bệnh nhân trong số đó lại không có tiền hoặc đòi hỏi rất khó khăn.

Đặc biệt, một số bệnh nhân người nước ngoài đến BV điều trị xong ra về hoặc tử vong đều không trả lại tiền cho BV, có người tử vong BV còn phải bỏ tiền ra lo đám tang cho họ. Liên hệ với lãnh sự quán nước ngoài hay Sở Ngoại vụ năm lần bảy lượt đều không nhận được sự hỗ trợ.

“Khi thì lãnh sự quán trả lời nếu muốn họ hỗ trợ, bệnh nhân đó phải trình bày với lãnh sự quán nhưng người bệnh lại nói mình không cần, cứ chây ì ở BV. Có khi họ trả lời rằng nếu thấy khó khăn cứ đuổi bệnh nhân ra ngoài, thế nhưng bác sĩ chúng tôi không có quyền làm như vậy” - BS Long nói.

“Chỉ trong một tuần, BV Chợ Rẫy đã tiếp nhận cấp cứu ba trường hợp người nước ngoài. Người quốc tịch Nga thì hôn mê gan chết, liên hệ mãi mới có người thân chịu nhận xác đem về. Một người quốc tịch Mỹ điều trị không trả tiền, đến lúc chết không ai nhận xác, BV phải lo an táng rồi gửi vào chùa. Còn một người đã khỏe mạnh nhưng nằm mãi không chịu ra viện. Đến giờ, số tiền bệnh nhân người nước ngoài nợ BV đã lên đến hơn 800 triệu đồng” - BS Long nói thêm.

Năm 2016, BV Chợ Rẫy có 496 lượt người nước ngoài nhập viện trong đó có 41 trường hợp tử vong, nặng xin về. Có hai trường hợp người Đức, một người quốc tịch Czech, một người quốc tịch Hy Lạp BV phải bỏ tiền hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, đưa vào chùa.

Riêng sáu tháng đầu năm 2017 có 281 lượt nhập viện, tử vong và nặng xin về tới 23 trường hợp. Số tiền người nước ngoài nợ, không trả BV lên đến hơn 800 triệu đồng.

____________________

Chúng tôi cũng vô cùng khó khăn vì chưa tìm ra cách giải quyết vì “bỏ thì thương, vương thì tội”. Chỉ còn cách kiến nghị các cơ quan liên quan khi cho những người nước ngoài vào Việt Nam phải có nơi cư trú, có người bảo lãnh, nơi bảo lãnh và phải có bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế để có vấn đề như thế này BV dễ giải quyết.

BS Nguyễn Hữu Long

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm