Ăn lành ngày tết

Vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) để phòng các bệnh gây ra từ thực phẩm có ý nghĩa thực tế rất quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân mà mục tiêu chính là đảm bảo tránh bị ngộ độc do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm hoặc có chất độc, nhất là trong các dịp lễ, tết.

Các bệnh lý phổ biến và hậu quả

Các bệnh lý có nguồn gốc từ thực phẩm không chỉ là các bệnh cấp tính như ngộ độc thức ăn mà còn gây ra các bệnh mạn tính, trong đó có bệnh tim mạch và ung thư. Ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ hai.

Khi sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, trước mắt người đó có thể bị ngộ độc cấp tính với các triệu chứng ồ ạt, dễ nhận thấy nhưng nguy hiểm hơn là sự tích lũy dần các chất độc hại ở một số cơ quan trong cơ thể và sau một thời gian mới phát bệnh hoặc có thể gây các dị tật, dị dạng cho thế hệ mai sau.

Những thiệt hại khi không đảm bảo VSATTP sẽ gây nên nhiều hậu quả khác nhau, từ bệnh cấp tính, mạn tính đến tử vong. Hậu quả của việc không đảm bảo VSATTP trước hết đối với từng cá nhân là chi phí khám bệnh, phục hồi sức khỏe, chi phí do phải chăm sóc người bệnh, sự mất thu nhập do phải nghỉ làm, kế đến là các nhà sản xuất, đó là những chi phí do phải hủy hoặc loại bỏ sản phẩm gây mất lợi nhuận và mất lòng tin của người tiêu dùng.

 Để thức ăn qua đêm hoặc bảo quản không tốt như bày bán cả ngày ở nơi bụi bẩn khiến thực phẩm nhiễm bẩn, độc hại.

Các biện pháp bảo quản thực phẩm

Nhân mùa tết Nguyên đán cần phải hết sức thực hiện tốt công tác VSATTP để bảo vệ sức khỏe. Do đó, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Chọn thực phẩm tươi sạch

Chọn các loại rau, quả tươi, không bị dập nát, không có mùi lạ, cá và thủy sản phải còn tươi, giữ nguyên màu sắc bình thường, không có dấu hiệu ươn, ôi. Đối với đồ hộp không chọn hộp bị méo, phồng.

Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm

Khu vực chế biến thực phẩm không có nước đọng, xa các khu khói, bụi bẩn, nhà vệ sinh hoặc khu chăn nuôi gia súc, rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Tất cả bề mặt sử dụng để chuẩn bị thực phẩm phải dễ cọ rửa, luôn giữ gìn sạch sẽ, khô ráo.

Sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ

Trong quá trình chế biến tuyệt đối phải rửa ngay các dụng cụ như dao, chén, thớt và phải để riêng biệt các dụng cụ đã tiếp xúc với thức ăn chín và thức ăn sống.

Tuyệt đối không được dùng bao bì từng chứa đựng các hóa chất độc, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc tẩy, chất sát trùng để đựng thực phẩm.

Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ

Các loại rau, quả phải ngâm ngập trong nước sạch rồi rửa kỹ dưới vòi nước chảy hoặc rửa trong chậu nhiều lần.

Không nên ăn các thức ăn sống như gỏi cá, thịt bò tái, gỏi…

Ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong

Thức ăn chín để nguội ở nhiệt độ bình thường dễ bị vi khuẩn xâm nhập và phát triển. Do đó để đảm bảo an toàn chúng ta nên ăn ngay khi thức ăn còn nóng vừa nấu chín xong.

Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn

- Không để lẫn thực phẩm sống với thức ăn chín.

- Không dùng dao, thớt vừa xắt thịt sống chưa được rửa sạch để xắt thức ăn chín.

- Không để các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hoặc các chất gây độc khác ở trong khu chế biến thực phẩm.

- Đun lại thức ăn sau khi thức ăn bị nguội là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản.

Giữ vệ sinh cá nhân tốt

- Người chăm sóc trẻ cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi cho trẻ ăn hoặc tiếp xúc với thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với thực phẩm tươi sống.

- Giữ móng tay ngắn và sạch sẽ.

- Không tiếp xúc, chế biến thực phẩm khi đang bị đau bụng, tiêu chảy, nôn, sốt hay có biểu hiện của bệnh truyền nhiễm.

Sử dụng nước sạch trong ăn uống

- Dùng các nguồn nước thông dụng như nước máy, nước giếng, nước mưa, sông suối đã qua xử lý để rửa thực phẩm, chế biến đồ ăn uống và rửa dụng cụ.

- Dụng cụ chứa nước phải sạch, không được để rêu, bụi bẩn bám xung quanh hoặc ở đáy, có nắp đậy.

Sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh

Không sử dụng sách, báo cũ để gói thức ăn chín, các loại giấy dùng để bao gói phải đảm bảo sạch, giữ được tính hấp dẫn về mùi vị, màu sắc và không thấm chất độc vào thực phẩm.

Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ như thực hiện các biện pháp diệt ruồi, gián, chuột và phòng, chống các dịch bệnh, các loại rác thải phải đựng vào thùng kín có nắp đậy, đổ đúng nơi quy định.

Nguyên nhân thực phẩm nhiễm độc

Quá trình chăn nuôi, sản xuất thực phẩm, lương thực bị bệnh hoặc thủy sản sống ở nguồn nước bị nhiễm bẩn. Các loại rau, quả được bón quá nhiều phân hóa học, sử dụng thuốc trừ sâu không đúng về liều lượng và thu hoạch không đảm bảo thời gian cách ly, sử dụng các chất kích thích tăng trưởng, thuốc kháng sinh, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm, quá trình thu hái lương thực, rau, quả không theo đúng quy định.

 

BS HỒ VĂN CƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm