Tối nay đội Việt Nam đá thua.
Một nhà báo, một người anh của tôi đang làm báo ở Mỹ, viết rằng đừng có lằng nhằng. Bóng đá là bóng đá, và thua tức là thua.
Anh ấy viết đúng. Đội tuyển của chúng ta đã thua và đã rời giải.
Nhưng những giải đấu gần đây mang lại cho chúng ta- trong đó có tôi- một cảm xúc khác còn lớn hơn bóng đá. Đó là niềm tin.
Ấy là, chúng ta thường chứng kiến sự lục đục khi thất bại từ việc làm ăn đến sự học của con cái. Chúng ta đã quen với việc hôm trước ca lên mây và hôm sau chửi từ cầu thủ đến HLV và VFF. Chúng ta dồn sự cay cú ăn thua từ thua bạc đến thua cuộc vào bóng đá và bắt những trận banh phải gánh. Anh hùng thành tội đồ.
Nhiều nhà báo hơn mười năm trước hả hê khi phát hiện bầu Đức bỏ phong bì 120 đô bồi dưỡng trọng tài. Sự bất lực trước tham nhũng đổ vào cái phong bì ấy.
Bóng đá VN cũng từng tước đi của người Việt niềm tin vào sự trong sáng của thể thao khi trận bóng chưa diễn ra ở Sing, ở Mã, thì dân banh bóng SG đã biết kết quả.
Tài năng như Quyến béo và nhiều cầu thủ cùng lứa thì không được trang bị kiến thức và nội lực, tiếng Anh không nói được nhưng rất rành Chivas và vũ trường, để rồi tài nhân thành phạm nhân.
Sự hẫng hụt niềm tin khiến xã hội bám víu vào chút tự hào thành công trên sân cỏ ao làng. Khi điều đó không như ý, đá thua, người ta trút hết tức giận vào đó.
Hai năm nay thì khác.
Bàn thua duy nhất của thầy trò HLV Park Hang-seo đến từ chấm 11 m do VAR “soi” ra. Ảnh: TTVH
Những trận thua, như hôm nay, không còn gây chia rẽ. Chúng ta thấy dù thua nhưng cả nước vẫn muốn ôm đội bóng vào lòng.
Chúng ta mới nghe cầu thủ nói em không lừa thủ thành đội bạn, chỉ là anh ấy ... đoán sai đường bóng của em.
Chúng ta rất kỳ vọng vào chiến thắng trước Nhật, nhưng không buồn khi thua và không xỉ vả cầu thủ - điều mà dù không có quyền, xưa giờ chúng ta vẫn tự cho phép mình làm.
Cái gì tạo nên điều đó?
Là niềm tin!
Nó đến từ đâu?
Từ sự lao động nghiêm túc, từ cư xử khiêm nhường. Khi tuyển thủ ngôi sao trả lời là vào trận đấu, không ai là ngôi sao, chỉ có ngôi sao duy nhất là lá cờ tổ quốc trên ngực áo. Là nhiều năm nay, chúng ta không nghe, không tin chuyện bán độ. Ta tin các em đá sạch.
Nó đến từ ai?
Từ những người tiên phong như bầu Đức, bầu Kiên, bầu Thắng, bầu Hiển. Từ những cuộc tuyển chọn gắt gao để đầu tư đào tạo hàng thập kỷ trước, tránh những tài danh ăn xổi.
Nó cho chúng ta thấy gì?
Thấy sự đầu tư bài bản và trách nhiệm lẫn đam mê của nhiều Doanh nhân đã đem về trái ngọt đầu tiên. Và thấy rằng người giàu không phải tội đồ.
Thua một trận bóng, rời một giải đấu mà không gây phân rã, mà đoàn kết yêu thương, mà động viên nhau đừng buồn.
Bóng đá đã làm được điều đó.
Nó còn cao hơn bóng đá!