BV Việt lại tính chuyện ngăn 1 tỉ USD xuất ngoại

Làm cách nào để người Việt Nam dành sự ưu tiên khám, chữa bệnh trong nước là một trọng tâm được nêu lên trong hội thảo “Thành tựu y học Việt Nam thời kỳ đổi mới” do Vụ Các vấn đề xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương và báo Lao Động tổ chức tại TP.HCM ngày 26-1.

Không phải không có người giỏi

TS Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết hiện nay có gần 1.200 bệnh viện (BV) công và tư, mỗi năm khám và điều trị cho hàng trăm triệu lượt bệnh nhân. Đặc biệt, các BV trong nước hiện đã có những trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến, thậm chí một số nước cũng chưa có như máy PEC-CT (thiết bị chẩn đoán hình ảnh sử dụng kỹ thuật y học hạt nhân). “Kỹ thuật chúng ta tương đương với Singapore, Thái Lan, thậm chí có những kỹ thuật còn làm tốt hơn như ghép tạng, ghép mô, ghép tế bào gốc… Đó là nhờ đội ngũ y bác sĩ của Việt Nam giỏi, có tay nghề khéo léo” - TS Tường nói.

TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV 115, đưa ra một dẫn chứng: “Vừa qua, có một bệnh nhân ở Campuchia bị khối u 12,5 kg ở chân. Người này đã qua Thái Lan, Singapore chữa trị nhưng không được vì chi phí quá cao. Sau đó họ sang BV chúng tôi phẫu thuật và đã thành công với chi phí thấp”.

Lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm rất phát triển tại Việt Nam, theo lời GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc BV Từ Dũ. Rất nhiều bệnh nhân các nước láng giềng tìm đến Việt Nam, trong đó có một tiến sĩ người Đức nổi tiếng về lĩnh vực này nhưng ông ta và vợ cũng đến Việt Nam để làm thụ tinh trong ống nghiệm và đã thành công. “Việt Nam không chỉ đứng đầu châu Á mà ngay cả thế giới về phương pháp nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm. Từ năm 2004 đến nay, chúng ta đã nhận đào tạo và chuyển giao công nghệ cho các bác sĩ nước ngoài về lĩnh vực thụ tinh nhân tạo” - GS Phượng cho biết.

BV Việt lại tính chuyện ngăn 1 tỉ USD xuất ngoại ảnh 1

Cơ chế chính sách y tế có nhiều bất cập kéo theo nhiều hệ lụy như quá tải BV, thiếu bác sĩ và chất lượng phục vụ bệnh nhân chưatốt. Ảnh: TÙNG SƠN

Bệnh nhân ra nước ngoài, vì sao?

Kỹ thuật y tế Việt Nam cao, tay nghề bác sĩ giỏi đến thế nhưng vì sao bệnh nhân ra nước ngoài điều trị? “Hiện chúng ta chỉ có 23 giường bệnh/một vạn dân là quá thấp, đứng thứ 99/142 nước trên thế giới. Thấp hơn trung bình chung của châu Á là 33 giường/một vạn dân, thấp hơn rất nhiều so với Nhật Bản là 140 giường/vạn dân” - TS Trần Quý Tường nói. Bệnh viện quá tải đã là một lý do khiến những bệnh nhân có tiền từ chối vào BV, như lời một đại biểu trong hội thảo nêu lên: “Do thiếu giường bệnh ở các BV công nên 2-3 người phải nằm chung một giường, chưa kể phải nằm chờ ngoài hành lang, đi khám thì phải xếp hàng chờ đợi”.

“Bên cạnh tâm lý sính ngoại của một số bệnh nhân thì nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao là một nhu cầu hợp lý, ai cũng muốn được phục vụ tốt, rủi ro tai biến thấp. Nhưng ở Việt Nam, tay nghề bác sĩ cao nhưng phẫu thuật thì dễ bị nhiễm trùng. Họ đi ra nước ngoài là để tránh nguy cơ này” - PGS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, lý giải thêm. Để minh họa thêm cho vấn đề người có tiền ra nước ngoài điều trị, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương Nguyễn Thi Hùng cho biết BV ông đã làm hồ sơ cho một cán bộ để ông ta nhập viện nhưng đến sáng hôm sau gọi điện thoại thì ông bảo đã đi sang Singapore điều trị rồi!

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định: Bệnh nhân thường tìm đến các phòng khám, BV sạch, trang trí trang nhã, thái độ phục vụ tốt của đội ngũ y bác sĩ.

Thiếu chuyên nghiệp trong giao tiếp, phục vụ là một vấn đề nổi cộm tại Việt Nam. Trong khi đó, ở các nước họ kết hợp y tế với du lịch: tổ chức đưa đón, ăn, ngủ, săn sóc bệnh nhân rất chu đáo nên đã thu hút được bệnh nhân bên ngoài lãnh thổ của họ. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đồng thuận với ý kiến cho rằng nguyên nhân khiến người giàu ra ngoài trị bệnh là do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ trương chính sách còn nhiều bất cập.

Cam kết thay đổi

Một đại biểu trong hội thảo nêu ra vài ví dụ để tham khảo: “Chi phí phẫu thuật thẩm mỹ ở Thái Lan chỉ bằng và thấp hơn ở Việt Nam nhưng chất lượng dịch vụ cao hơn so với VN; ngoài ra họ còn kết hợp với du lịch, tham quan, mua sắm. Về tai mũi họng, chất lượng điều trị tại Singapore gấp 30 lần so với Việt Nam. Ở các nước, họ còn có chính sách thu hút sự ủng hộ của truyền thông, kể cả nghệ thuật (điện ảnh, âm nhạc…) đối với y tế”.

Các BV đề nghị Bộ Y tế nên có sự linh hoạt trong cơ chế, chính sách dành cho bác sĩ. Một bác sĩ giỏi thì có thể làm nhiều nơi để họ phát huy hết khả năng để phục vụ người dân. Bởi thực tế có nhiều BV tư đầu tư lớn, sạch đẹp, phục vụ bệnh nhân rất tốt nhưng thiếu bác sĩ giỏi về phục vụ. Còn BV công có bác sĩ giỏi nhưng vấn đề phục vụ thì chưa làm hài lòng bệnh nhân.

Bộ Y tế chỉ đạo các BV cố gắng làm tốt các công tác phục vụ bệnh nhân trong nước nhằm hạn chế tối đa bệnh nhân ra nước ngoài. “Điều cơ bản là phải giải quyết được hai vấn đề cơ chế và kinh phí. Bộ Y tế sẽ có những chính sách thoáng trong vấn đề này” - Thứ trưởng khẳng định.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm