Cần khai thác thị trường cà phê tại Trung Quốc

Ông Tự cho hay với hơn 1,3 tỉ dân, người dân có thói quen uống cà phê hòa tan, Trung Quốc được coi là thị trường rất tiềm năng. Nên chỉ cần tiếp cận và xâm nhập thị trường tại một số tỉnh của Trung Quốc giáp biên giới với VN, doanh nghiệp cà phê trong nước đã có được một thị trường rộng lớn.

Đối với thị trường châu Âu, theo ông Tự, doanh nghiệp VN sẽ rất khó cạnh tranh vì ở đây đã tập trung rất nhiều thương hiệu mạnh và nổi tiếng về cà phê của thế giới. Nhiều lần thương hiệu cà phê Trung Nguyên cũng đặt tham vọng xâm nhập thị trường châu Âu nhưng không thành công.

Đại diện Tổng Công ty Cà phê VN cho hay nếu doanh nghiệp trong nước không chủ động sẽ để đối thủ nước ngoài làm chủ thị trường. Hiện tại, doanh nghiệp nước ngoài chiếm khoảng 40% sản lượng thu mua cà phê và đang có kế hoạch chiếm tới 60%-70% sản lượng thu mua trong nước. VN được coi là nước đứng thứ hai thế giới về sản lượng và xuất khẩu cà phê nhưng hầu hết lượng cà phê xuất khẩu đều phải thông qua trung gian.

Năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,1 triệu tấn cà phê, thu về kim ngạch gần 1,7 tỉ USD. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong ngành, giá trị của mặt hàng chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân là do chiến lược phát triển ngành cà phê theo hướng bền vững của nước ta vẫn đang trong quá trình soạn thảo. Hiện trong nước có quá nhiều doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà phê nên đã gây ra tình trạng tranh bán, tranh mua khiến thị trường hỗn loạn.

Để ngành cà phê phát triển bền vững, nhiều chuyên gia kiến nghị không nên mở rộng mà phải thu hẹp diện tích, giảm diện tích cà phê ở vùng không hợp điều kiện sinh thái, quy mô nhỏ và năng suất thấp. Đặc biệt chú trọng xây dựng ngành hàng cà phê theo hướng phát triển bền vững dựa trên nhu cầu thị trường. Đến năm 2020, diện tích cà phê nên ở mức 500.000 ha và sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn là hợp lý. Ngoài ra, doanh nghiệp tập trung vào khâu công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm