Chính sách an sinh cho người lao động TP.HCM là cần thiết

(PLO)- Sự hỗ trợ của TP đối với NLĐ như lúc dịch COVID-19 sẽ tạo “cú hích” kích thích tiêu dùng, tạo sức mua cho thị trường cũng là gián tiếp tiếp sức cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5, sau khi Sở LĐ-TB&XH báo cáo về tình hình khó khăn của người lao động (NLĐ), Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đặt vấn đề: “An sinh trong những tháng tới sẽ rất gay gắt, thậm chí chúng ta phải nghĩ xem chúng ta có chính sách gì giống như thời điểm hỗ trợ vì dịch COVID-19 hay không?”.

Khi người đứng đầu chính quyền TP đặt ra mệnh đề ấy, thực sự chúng ta cần phải suy nghĩ.

Vì sau ba năm gồng mình với đại dịch, kinh tế của người dân, nhất là NLĐ đang hết sức khó khăn. Người dân “thắt lưng buộc bụng” vì những khó khăn đang phải đối mặt. Những đồng tiền tích cóp đều đã chi tiêu trong dịch và khi bước qua đại dịch thì kinh tế rơi vào vòng suy thoái có tính chất toàn cầu. Kinh tế thế giới bước vào thời kỳ khủng hoảng đã kéo theo đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Những điều đó đã tác động trực tiếp tới Việt Nam và ngay cả với TP.HCM - trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước.

Doanh nghiệp “kiệt sức”, đơn hàng ít, không thể tiếp cận nguồn vốn vì lãi suất quá cao… đã buộc họ phải cắt giảm nhân sự, NLĐ. Việc này đã đẩy NLĐ rơi vào cảnh thất nghiệp, nghỉ việc hoặc làm việc cầm chừng. Có thể nói, chưa bao giờ NLĐ khó khăn như hiện nay.

Sở dĩ nói vậy bởi trong đại dịch dù khó khăn nhưng TP đã ra tay kịp thời khi ban hành Nghị quyết 97 để hỗ trợ hơn 7,3 triệu người dân gặp khó với số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng, chưa kể các chính sách khác. Sự tiếp sức đó là hết sức cần thiết và ngay thời điểm hiện tại đã đến lúc TP.HCM cân nhắc để “tiếp sức” cho NLĐ vượt khó một lần nữa.

Chúng ta chỉ cần nhìn vào con số NLĐ nghỉ việc tại Công ty PouYuen mà Sở LĐ-TB&XH nêu ra trong cuộc họp để hình dung về những gì chủ tịch TP nhận định là hoàn toàn có cơ sở. Công ty này đã cắt giảm 4.439 lao động trong đợt 1 và sẽ cắt giảm đợt 2 với 1.125 người vào tháng 6 tới. Giai đoạn 2018-2019, Công ty PouYuen có hơn 98.000 người nhưng hiện chỉ còn hơn 46.700 người. Đó là dẫn chứng từ thực tiễn để chúng ta cân nhắc có chính sách hỗ trợ như hồi dịch COVID-19 hay không?

Trước viễn cảnh kinh tế được dự báo còn khó khăn, doanh nghiệp sẽ còn cắt giảm lao động để thấy rằng hơn bao giờ hết TP.HCM cần lường trước để có chính sách hỗ trợ phù hợp, không để tới lúc “nước đến chân mới nhảy”.

An sinh và chính sách xã hội để hỗ trợ người dân gặp khó đó có thể là chuyển đổi nghề bằng việc đào tạo nghề mới cho người mất việc để cung cấp ra thị trường lao động đang cần, các gói hỗ trợ kinh tế, gói vay ưu đãi… để người dân gặp khó có thể tiếp cận.

Thậm chí, ngay lúc này TP.HCM cần có chính sách “bà đỡ” để tiếp sức cho những hộ gia đình có mức sống trung bình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để duy trì cuộc sống. Bởi đây là những hộ dân rất dễ bị tổn thương, họ nằm giữa “ranh giới” hộ nghèo và có cơ hội vươn lên khá giả. Nếu được tiếp sức, họ sẽ vươn lên để không trở thành gánh nặng cho chính sách an sinh của TP. Tuy nhiên, lúc này nếu không có sự hỗ trợ kịp thời, họ có thể rơi vào vòng xoáy quay lại nghèo khó. Việc tiếp sức kịp thời của TP cũng chính là hiện thực hóa quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2025 cơ bản sẽ không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn hộ nghèo của cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn TP.

Hơn nữa, sự hỗ trợ của TP đối với NLĐ như lúc dịch COVID-19 sẽ tạo “cú hích” kích thích tiêu dùng, tạo sức mua cho thị trường cũng là gián tiếp tiếp sức cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm