Trong bài phát biểu của mình, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD, cho biết điều tra cho thấy một bức tranh buồn cho nông nghiệp VN khi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm giá.
Nhiều người quan tâm khi nông nghiệp gặp nhiều khó khăn như vậy thì chính sách thuế phải được điều chỉnh như thế nào để người sản xuất và doanh nghiệp trong nước có lợi. Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho biết chính sách thuế của VN liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nhiều khi chưa rõ ràng. Khi gia nhập WTO, chúng ta phải đấu tranh “trầy vi tróc vảy” mới giữ được mức thuế cao đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu thì nay nhà nước lại đánh thuế thấp hơn mức đàm phán. Việc đánh thuế thấp hơn so với lộ trình cam kết đã xảy ra với các mặt hàng như thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón…
Theo ông Thành, rõ ràng trong chích sách thuế, nhà nước đang phải “đứng giữa đôi dòng nước”. Nếu đánh thuế cao thì nông dân phải mua phân bón, thức ăn chăn nuôi… với giá quá cao nhưng nếu hạ thuế xuống thấp thì doanh nghiệp sản xuất lại kêu trời vì hàng hóa sản xuất cạnh tranh không lại với hàng ngoại nhập.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Minh Anh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (Bộ Công thương), dẫn chứng: Đối với mặt hàng đường, nếu đánh thuế cao thì doanh nghiệp đường được lợi nhưng người tiêu dùng lại phải mua đường với giá cao. Cho nên điều chỉnh thuế cao hay thấp đối với hàng nhập khẩu là rất khó khi đặt lên bàn cân: doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp, người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ông Minh Anh, để xảy ra tình trạng này cũng bắt nguồn từ sự cạnh tranh yếu kém của doanh nghiệp trong nước. Theo đó, ngoài tiềm lực kinh tế kém, cạnh tranh yếu thì doanh nghiệp trong nước chưa biết cách theo dõi, khai thác thông tin xuất khẩu giữa các nước có ý định làm ăn với mình. Hàng hóa của doanh nghiệp VN tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất thấp.
TRUNG HIẾU