Chúng ta đọc nhiều nhưng không đọc sách

Ngày 7-12, tại buổi tọa đàm Chúng ta đang đọc gì, nhiều người tham dự đã nhận định giới trẻ ngày nay ít đọc sách, thói quen đọc sách của họ đang bị chi phối bởi quá nhiều yếu tố.

Đọc Facebook nhiều hơn đọc sách

Một trong các khách mời của buổi tọa đàm là sinh viên Đặng Huỳnh Mai Anh, từng là đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới 2012 tại London. Mai Anh cho rằng cuộc sống hiện nay quá nhanh, quá bận rộn. Trong khi người trẻ bận rộn với nhiều công việc, bài vở và mỗi ngày thường tiếp nhận một lượng thông tin khổng lồ từ báo chí, mạng xã hội, giáo trình… họ trở nên “sợ chữ” và không thể đầu tư thời gian hay sự kiên nhẫn để đọc một thông tin dài, huống hồ bỏ ra 4-5 giờ đồng hồ để đọc sách. Mai Anh thẳng thắn kể về thói quen “lật sách ra là thấy buồn ngủ” trước đây của cô. “Mặc dù không đọc sách nhưng em thích mua sách để trưng cho có vẻ trí thức. Em chỉ đọc thông tin trên mạng vì cần thông tin gì thì tra Google là giải quyết nhanh, gọn”. Mai Anh chia sẻ thói quen đọc trước đây của cô và được nhiều bạn trẻ đồng tình.

Chúng ta đọc nhiều nhưng không đọc sách ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Danh Lam, nhạc sĩ Trần Tiến, sinh viên Mai Anh (từ trái qua) tại buổi tọa đàm. Ảnh: TRÀ GIANG

Giống Mai Anh, nhà văn Nguyễn Danh Lam cho biết thói quen mỗi ngày của anh cũng là đọc những status mới của bạn bè trên Facebook và đọc báo mạng. “Tuy nhiên, tôi xem những thông tin trên mạng chỉ là món ăn chơi, còn món ăn chính vẫn là sách. Có thể các thông tin trên mạng rất hấp dẫn, rất “hợp khẩu vị” của bạn, vậy thì bạn hãy xem nó là món khoái khẩu. Nhưng nếu chỉ ăn món khoái khẩu thôi mà không ăn các món khác thì sẽ bị “mất cân bằng dinh dưỡng” - nhà văn Nguyễn Danh Lam hóm hỉnh.

Hãy kể về quyển sách đã đọc

Để tạo cảm hứng đọc sách, các diễn giả khuyên mọi người hãy kể và nghe người khác kể về quyển sách hay. “Sự trao đổi, thảo luận về cái hay của một cuốn sách sẽ thổi bùng lên niềm ham thích phải đọc cuốn sách đó” - nhạc sĩ Trần Tiến nói. Ông cũng kể lại chuyện người đã gieo vào lòng ông niềm hăng say đọc sách: “Lúc 27 tuổi, tôi vào Sài Gòn và gặp được “người quân tử” của đời tôi. Anh là giáo viên dạy triết học. Tôi thường ngồi hàng buổi để nghe anh kể về các cuốn sách hay mà anh đọc. Khi về lại Hà Nội, tôi nhờ anh giới thiệu mua một số sách hay. Người ta vào Nam đem về quạt máy, xe máy…, còn tôi đem về 200 cuốn sách. Ba năm liền sau đó, tôi không làm gì, đói nhưng cũng không chịu đi làm gì, chỉ vùi đầu nghiền 200 cuốn sách” - nhạc sĩ Trần Tiến nhớ lại.

Nhà văn Nguyễn Danh Lam chia sẻ cách mà anh áp dụng cho con trai: “Tôi thường kể chuyện cho con nghe, đến đoạn gay cấn nhất thì dừng lại và chìa sách ra: “Phần tiếp theo ở trong cuốn sách này”. Hoặc tôi thường hỏi con: “Con có biết tại sao mặt trời màu vàng không? Tại sao mặt trời có thể treo lơ lửng trên đó không? Câu trả lời ở cuốn sách này””. Dần dần con trai của nhà văn Nguyễn Danh Lam đã chuyển qua đọc sách thay vì chơi game như trước.

Mai Anh cũng chia sẻ nhờ nghe một người bạn kể về cái hay của cuốn sách Một mình ở châu Âu mà cô lập tức muốn về nhà để đọc cuốn sách. Khi đọc, Mai Anh đã khám phá sự thú vị tuyệt vời là trí tưởng tượng tha hồ bay bổng qua từng con chữ của cuốn sách. Từ đó, cô cũng thay đổi thói quen, trở nên ham thích đọc sách hơn.

Sáu nhà xuất bản tên tuổi đứng trước cảnh phá sản

Tập thể lãnh đạo sáu nhà xuất bản (NXB Văn hóa - Thông tin, NXB Thể thao, NXB Văn học, NXB Âm nhạc, NXB Thế giới, NXB Văn hóa Dân tộc, NXB Hà Nội) đã đồng ký vào đơn kiến nghị gửi Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhằm cứu vãn tình trạng nợ nần, có nguy cơ dẫn đến phá sản.

Ông Nguyễn Anh Vũ, Phó Giám đốc NXB Văn học, nêu lên nguyên nhân chủ yếu: Sự suy thoái của nền kinh tế; sự xuống cấp của văn hóa đọc, đặc biệt với thể loại sách văn học; sự lấn át mạnh mẽ của các loại hình giải trí khác… Và nguyên nhân trực tiếp trước mắt là các NXB không gánh nổi chi phí thuê đất!

GM (Theo SGTT)

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm