Bầu Kiên khi đưa ra đề án được mọi người tán thành cứ đinh ninh là cuộc “nổi loạn” của các ông bầu thắng thế vì đã được “chuẩn y” và cứ y khuôn ấy mà làm. Tuy nhiên, khi việc tiến hành được giao cho VFF thì mọi cái lại bắt đầu rắc rối từ khâu thủ tục. Nó lại trở lại thời kỳ đầu là xem các nước làm chuyên nghiệp rồi tranh luận, tranh cãi về cái công ty đấy do ai quản lý; là công ty cổ phần hay công ty TNHH…
Đến giờ thì có đến 90% khả năng cái công ty đấy không thể ra đời kịp cho mùa giải 2012 và cũng chưa chắc cái đề án của bầu Kiên được ra đời.
Mọi cái được VFF lấy lý do đi học bóng đá Nhật và bê nguyên mô hình của bóng đá Nhật về thì thấy nó có những độ vênh so với mô hình của bầu Kiên.
Đề án của bầu Kiên đang bị câu giờ và làm… “lệch”. Ảnh: XUÂN HUY
Thực chất thì chuyện ý tưởng của ta vênh với bóng đá Nhật không là chuyện lạ vì mỗi quốc gia có một đặc thù khác nhau. Ở đây chuyện của bóng đá Nhật (quốc gia mới mời đội tuyển Việt Nam sang đá giao hữu và nhân cơ hội đấy vài quan chức VFF tranh thủ học) đã được đưa ra làm cái cớ để phân loại lại cái công ty mà bầu Kiên đưa ra với cổ phần chính thuộc về các đội bóng và đương nhiên tiếng nói của các đội bóng sẽ có phần quyết định.
Những người nhìn sâu xa sự việc cho rằng VFF đang cố tình câu giờ để “biến dạng” cái Công ty VPF của bầu Kiên sang công ty thuộc quyền của VFF và nó là dạng “bình mới rượu cũ”.
Có vẻ như sau khi hội nghị VFF và các ông bầu bị “cướp diễn đàn” và bị các ông bầu dẫn dắt rồi biểu quyết rồi buộc VFF, buộc Tổng cục TDTT phải có ý kiến ngay thì đến nay VFF đã và đang lấy dần lại thế chủ động.
Thực chất thì ai cũng khen đề án của bầu Kiên rất hay nhưng khi nó được chính VFF đặt lên bàn cân thì phần lãi hằng năm của VFF có được từ tổ chức V-League, hạng Nhất… (đa số là do tài trợ và thu tiền đội bóng) đã chạy sang cái công ty với cổ phần chính từ các CLB.
Cái hay của bầu Kiên khi đặt ra công ty này là các đội có cổ phần thì phải có trách nhiệm với công ty, với cái giải mà họ làm chủ và như thế về lý thuyết sẽ ít tiêu cực hơn.
Còn với góc nhìn của VFF thì V-League sẽ là cái cần câu mà cá tự động sẽ đổ về từ những phần chưa được khai thác hết.
Hóa ra trong khi người hâm mộ đang chờ đợi một môi trường xanh và sạch ở sân chơi V-League thì nhiều người lại đang tính đến cần câu và con cá.
Sắp tới, các CLB sẽ được VFF cho “đi học” ở J-League và K-League để xem Nhật với Hàn Quốc điều hành công ty theo mô hình nào. Chỉ có điều chắc chắn đó sẽ không phải là công ty cổ phần như của bầu Kiên và hiệu ứng sau chuyến đi này trước mắt chỉ là chuyện câu giờ cho đến V-League 2012.
Bóng đá Việt Nam lạ ở chỗ khi tất cả đều đã giơ tay cho một đề án lại không phải là mọi cái đã được đồng thuận.
NGUYỄN NGUYÊN