Cứ 1 người tham gia BHXH lại có 1 người ngưng

(PLO)- Giai đoạn 2016-2021, hơn 4,25 triệu người lao động tham gia BHXH và 4,06 triệu người rút BHXH một lần, tương đương cứ một người tham gia mới thì lại có một người rời hệ thống BHXH.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong hồ sơ sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh cần có giải pháp ngăn tình trạng rút BHXH một lần.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam giai đoạn 2016-2021, có hơn 4,06 triệu người rút một lần, trung bình gần 700.000 người hưởng BHXH mỗi năm. Số lượng người rút năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6% khiến lưới an sinh ngày càng mỏng.

Lao động nữ rút BHXH một lần nhiều hơn nam

Theo Bộ LĐ-TB&XH, người rút BHXH một lần phần lớn làm việc trong doanh nghiệp (DN) với gần 2,9 triệu (90,7%); tiếp đến là khu vực nhà nước 257.000 (8%) và người lao động (NLĐ) tham gia BHXH tự nguyện 38.800 (1,2%). Có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực là do tính chất công việc của NLĐ khối FDI và tư nhân thường chịu áp lực, dễ nhảy việc nên thường muốn nhận BHXH một lần. Lao động nam rút BHXH một lần có độ tuổi bình quân 34 với 4,5 năm đóng BHXH và nữ là 32 tuổi với trung bình bốn năm tham gia.

Số lao động nữ hưởng BHXH một lần luôn cao hơn số lao động nam. Đơn cử, năm 2021 số lao động nam rút BHXH một lần là 384.385 người, trong khi đó nữ là 478.874 người. Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc nhận BHXH một lần có nguyên nhân từ việc đa số NLĐ làm việc trong các khu công nghiệp có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Khi họ bị mất việc phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt như cần tiền để chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, đầu tư cho con ăn học, do đó nhu cầu tài chính ngắn hạn của NLĐ sau khi nghỉ việc rất lớn.

Nhân viên BHXH Việt Nam tuyên truyền để người dân tham gia BHXH khi về già nhận lương hưu. Ảnh: V.LONG
Nhân viên BHXH Việt Nam tuyên truyền để người dân tham gia BHXH khi về già nhận lương hưu. Ảnh: V.LONG

“Theo số liệu thống kê, những người hưởng chế độ BHXH một lần tập trung ở độ tuổi 20-40, chiếm 77,5% số lượt người hưởng. Hầu hết NLĐ trẻ quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già…” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn coi phần đóng góp BHXH của người sử dụng lao động như một khoản phúc lợi lớn từ việc làm ở khu vực chính thức. Họ không coi đó là khoản đóng góp Nhà nước yêu cầu người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trong quá trình NLĐ làm việc cho mình để bảo vệ NLĐ khi về già, không còn khả năng lao động, không có thu nhập thông qua việc hưởng chế độ hưu trí định kỳ hằng tháng. Do đó mỗi khi có dịp được hưởng “khoản phúc lợi lớn” này NLĐ thường hưởng ngay.

Giải pháp hạn chế rút BHXH một lần

Bộ LĐ-TB&XH nhận định tình trạng rút BHXH một lần càng tăng cao khi các năm 2021-2022 tình hình sản xuất, kinh doanh của DN gặp khó khăn bởi dịch COVID -19. Nhiều DN, đặc biệt là các DN kinh doanh ở các ngành nghề sử dụng nhiều NLĐ như du lịch, khách sạn, vận tải, giáo dục, may mặc... ngừng hoạt động hoặc sản xuất, kinh doanh cầm chừng.

Năm 2020 có khoảng 60%-80% NLĐ làm việc trong ngành du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng tạm thời mất việc. Tình trạng NLĐ thiếu việc, không có việc, mất việc gia tăng, số người mất việc không có cơ hội tái tham gia thị trường lao động là nguyên nhân gia tăng số người hưởng BHXH một lần. Ngoài ra, tình trạng nhiều DN thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh dẫn đến cắt giảm NLĐ, “thải loại” công nhân từ 35 đến 40 tuổi trở lên cũng khiến nhiều NLĐ bị mất việc.

Một nguyên nhân nữa được Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra đó là sự thiếu liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nếu thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ giải quyết được một phần bài toán về tài chính ngắn hạn để NLĐ có thể yên tâm ổn định cuộc sống, thay vì tìm đến BHXH một lần như là công cụ tài chính để vượt qua tình trạng khó khăn tài chính trước mắt.

Cạnh đó, quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu cũng dẫn đến đa số NLĐ có từ ba đến dưới 10 năm đóng góp phải nghỉ việc rất khó trong quyết định chờ đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Kế đó, NLĐ 45 hoặc 50 tuổi mới bắt đầu tham gia BHXH cũng khó có cơ hội hưởng. Điều kiện trên cùng với những khó khăn trong tìm kiếm, duy trì việc làm ở khu vực chính thức khiến NLĐ nản lòng trong quá trình theo đuổi BHXH.

Để hạn chế việc rút BHXH một lần, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Song song đó, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội trong Luật BHXH, trên cơ sở đó nghiên cứu quy định để liên kết giữa trợ cấp hưu trí xã hội với BHXH cơ bản, khuyến khích NLĐ tự bảo đảm an sinh cho bản thân thông qua việc tham gia, bảo lưu thời gian đóng BHXH, không chọn hưởng một lần.

Hiện thủ tục để NLĐ rút BHXH một lần khá dễ dàng, điều kiện là đóng dưới 20 năm, sau một năm nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia hoặc đóng tự nguyện thì được rút. Tại dự thảo Luật BHXH lần này, Bộ LĐ-TB&XH không hạn chế rút BHXH một lần song đề xuất hai phương án. Một là giữ nguyên phương án hiện hành. Hai là rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Còn lại sẽ bảo lưu để sau này NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ BHXH.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2016 số tiền chi trả BHXH một lần là 10.488 tỉ đồng thì năm 2021 lên đến 35.350 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm