Cuộc chiến “giành đất” với biển ở Bình Thuận

Trong khi chờ những giải pháp chống xói lở bờ biển, người dân hàng ngày vẫn phải “chiến đấu” với biển để giành lại đất sống cho mình.Chúng tôi đến khu phố 5, phường Đức Long (thành phố Phan Thiết, Bình Thuận), ông Nguyễn Bá Huề, trưởng khu phố cho biết, mấy chục hộ dân đang phải vất vả với những cơn sóng dữ để tìm mọi cách níu lại chỗ “trú nắng, trú mưa” của mình; nhà nào có tiền thì bỏ ra vài triệu đồng để đổ đá làm kè che chắn giữ đất; nhà nào túng quá đành phải chịu trận.

Tính từ đầu tháng 12.2011 đến nay, đã có 15 căn nhà bị sập và hư hỏng nặng, hơn 50 căn nhà nằm cách bờ biển khoảng 10m đang bị sạt lở nặng và có nguy cơ bị sập bất cứ lúc nào. Không chỉ riêng Phan Thiết, tại huyện Tuy Phong, thị xã Lagi, huyện đảo Phú Quý đều xảy ra tình trạng xâm thực.

Theo khảo sát của phòng tài nguyên và môi trường thành phố Phan Thiết, ba năm nay, biển lấn vào đất liền khoảng 30m, kéo dài hơn 1.000m. Không chỉ riêng nhà dân, đất tại các khu du lịch cũng đang bị đe doạ nghiêm trọng.Tại các khu du lịch thuộc phường Mũi Né, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 20km, những hàng dương đổ nhào, những mảng bêtông đổ sụp nằm ngổn ngang ven biển.

Khu vực này, nhiều nhà đầu tư đã phải dùng những loại vật liệu như ván dừa, cừ tràm, bao cát... để giữ bờ, giữ đất. Ở khu vực dành cho các resort, khu du lịch ở Mũi Né, biển đã “ngốn” khoảng 5m đất và kéo dài gần 500m.Theo sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Thuận, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng biển “nuốt” đất ngày càng dữ dội là do nước biển có khuynh hướng dâng cao, sóng biển gây xói lở rất nhanh.

Đặc biệt, ở các khu vực bờ biển nằm cách các kè đá, cầu tàu khoảng từ 100 – 200m thì có hiện tượng xâm thực dữ dội hơn, có những vùng biển “ăn” vào đất liền từ 50 – 80m trong vòng khoảng 40 năm, cụ thể như ở khu phố 2, phường Hàm Tiến.Để chống chọi với tình trạng biển xâm thực, tỉnh Bình Thuận đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng kè một số khu vực.

Tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 15.000m đê, kè biển được xây dựng hoàn chỉnh với tổng kinh phí hơn 200 tỉ đồng. Riêng bờ biển Hàm Tiến – Mũi Né, khu vực có nhiều resort và khu du lịch nghỉ dưỡng, tỉnh đã xây dựng gần 3.000m kè với kết cấu kiên cố.

Ông Đặng Đình Hiếu, phó chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết cho biết, hiện đã có dự án và bố trí tái định cư 46 hộ dân trong khu vực phường Đức Long, nhưng vẫn còn 50 hộ khác chưa bố trí tái định cư được do thiếu đất. Hiện nay, tại bãi biển Đồi Dương, tỉnh đã cho thi công xong 1.600m kè để bảo vệ bờ biển, còn tại các khu dân cư, người dân vẫn phải tự mình đóng cừ tràm, đấp bao cát làm kè để bảo vệ nơi ở cho mình.

Theo Nguyễn Văn (SGTT.VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm